“Trump là người thông minh. Ông ấy sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên chấp nhận Triều Tiên”

Mọi giải pháp nhằm đối phó với Triều Tiên, cho dù có lựa chọn sử dụng vũ lực, trừng phạt hay đối thoại đều buộc Mỹ phải điều tiết khéo léo mối quan hệ với Trung Quốc.

20:00 08/09/2017

Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vũ thử hạt nhân lần thứ sáu và cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất cho tới thời điểm này, Mỹ lập tức lên tiếng kêu gọi Liên Hợp Quốc áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất có thể, đồng thời tuyên bố nhiều lựa chọn quân sự “đã được đặt trên bàn”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo có quá ít giải pháp khả dĩ Mỹ có thể lựa chọn mà lại không cần tới sự hỗ trợ từ Trung Quốc, nước luôn lo ngại sẽ đẩy chế độ Triều Tiên tới bờ vực sụp đổ.

Trung Quốc ủng hộ việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng đổi lại Mỹ cũng phải chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, một yêu cầu mà Mỹ luôn phản đối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba ý tưởng để đối phó với cuộc khủng khoảng hạt nhân hiện nay với Triều Tiên: tấn công quân sự, trừng phạt kinh tế Trung Quốc và đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, cả 3 lựa chọn này đều vấp phải một trở ngại chung, đó chính là Trung Quốc.

Kịch bản chiến tranh

Hôm Chủ Nhật (3/9), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo: Bất kỳ hành động đe dọa nào của Triều Tiên đối với Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh đều sẽ phải gánh chịu sự “đáp trả quân sự ồ ạt”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, trong cuộc họp an ninh khẩn cấp của LHQ ngày 4/9, cũng cáo buộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un là kẻ “cầu xin chiến tranh”.

Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bảo an ngày 4/9 đã cáo buộc ông Kim Jong Un là kẻ “cầu xin chiến tranh”. Ảnh: Times of Israel.

“Kim Jong Un không muốn đối thoại. Ông ta muốn phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân, không phải từng việc một mà là cả hai việc cùng một lúc”, Park Byung-kwang, Giám đốc Trung tâm Đông Bắc Á thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia có trụ sở ở Seoul nhận xét.

“Cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên diễn biến ngày càng tồi tệ hơn. Nghĩa là, khả năng Tổng thống Donald Trump phải sử dụng đến nhiều sức ép hơn và thậm chí tấn công quân sự đang ngày càng khả thi hơn”.

Theo ông Park, Tổng thống Trump có 3 lựa chọn: Tăng cường sức ép thông qua trừng phạt, bắt đầu đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong Un hoặc xem xét các cuộc tấn công có chọn lọc vào các căn cứ quân sự của Triều Tiên.

Hiện vẫn còn chưa chắc chắn, liệu trước khi tấn công, ông Trump có phối hợp cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực hay không.

Nhưng ông Park nhận định, cả hai nước chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ việc tấn công Triều Tiên vì công dân của họ sẽ là những nạn nhân trước tiên trong bất cứ cuộc xung đột nào.

“Sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi có ý kiến coi tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay như một ván cờ, được chơi bởi những người có đặc quyền ở cả hai bên nhưng lại đánh bạc với mạng sống của thường dân”, Benjamin Habib, giáo sư chính trị học Đại học La Trobe nhận xét.

“Hàng triệu người sống ở hai bên Khu vực phi quân sự (DMZ) và nhiều nơi khác nữa sẽ bị đặt trước rủi ro không cần thiết vì những lời lẽ bên miệng hố chiến tranh như vậy. Thiên hướng đe dọa quân sự của ông Trump chẳng giúp ích được gì trong việc gia tăng khả năng phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.

Hành động quân sự của Mỹ cũng có thế kéo Trung Quốc vào cuộc. Bắc Kinh phản đối chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng không muốn chế độ Triều Tiên sụp đổ. Trung Quốc từng gửi hơn 1 triệu quân tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

Đánh thuế cao nhằm vào Trung Quốc

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm tới 90% giao dịch ngoại thương của nước này.

Theo số liệu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), năm 2015 Bình Nhưỡng đã xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 2,3 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ – nước xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên cũng chỉ mua khối lượng hàng hóa trị giá 98 triệu USD từ Triều Tiên.

Hoạt động nhập khẩu vào Triều Tiên cũng diễn ra theo mô hình tương tự.

Nhưng bất chấp việc đe dọa ngưng tất cả các giao dịch thương mại với bất cứ nước nào “làm ăn với Triều Tiên”, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Washington và việc cấm giao dịch với một quốc gia sẽ phải cần tới sự chấp thuận của Mỹ.

Tất nhiên, ông Trump có quyền áp đặt các khoản thuế khiến nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn nhưng các chuyên gia cảnh báo, việc làm này có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại mà rốt cục lại gây hại cho chính người tiêu dùng Mỹ.

“Có thể còn có các lựa chọn khác nữa như từ chối tiếp cập thị trường vốn của Mỹ hay việc sử dụng đồng đô la hoặc du lịch tới Mỹ… Nhưng cũng giống như thuế, các biện pháp như vậy gây thiệt hại cho Mỹ nhiều hơn là cho Trung Quốc”, Saul Eslake, chuyên gia kinh tế độc lập từng tư vấn thương mại cho Chính phủ Australia nhận xét.

Tăng thuế sẽ lập tức đẩy chi phí hàng hóa gia tăng, tác động mạnh nhất tới người tiêu dùng công nghiệp và người có thu nhập thấp.

Trung Quốc là nước nắm giữ nhiều nhất các khoản nợ của Mỹ, khiến nước này có được lợi thế đáng kể nếu họ quyết định “bán tháo”.

“Buộc Trung Quốc phải thả “quả bom đô la” không phải là một chiến lược khôn ngoan để vận động Bắc Kinh chung tay xử lý vấn đề Triều Tiên”, giáo sư Benjamin Habib nói.

Đối thoại trực tiếp

Phần lớn các chuyên gia đều chia sẻ ý kiến Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Theo họ, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhận thức được rằng việc Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này năm 2003 chỉ khiến các lực lượng Mỹ và châu Âu đẩy nhanh quá trình lật đổ ông chưa tới một thập kỷ sau đó.

Ông Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-12 tại một căn cứ không được tiết lộ gần Bình Nhưỡng. Ảnh: The Guardian

Shen Dingli, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho rằng, cả Trung Quốc và Mỹ hiện cần phải chấp nhập vị thế của Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân và bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

Shen minh chứng, trước đây Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phải tái thiết lập quan hệ với Chủ tịch Mao Trạch Đông những năm đầu thập kỷ 1970, chỉ vài năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc.

Theo Shen Dingli, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cần hành xử tương tự với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

“Nixon ghét Trung Quốc, ông ấy chưa bao giờ thích Trung Quốc. Nhưng Nixon là người thông minh. Ông ấy cần Trung Quốc để chống Liên Xô”, Shen nói.

“Mỹ đã phải sống hòa bình với các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trung Quốc phải sống hòa bình với các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hơn là phải đối chúng mà có phản đối cũng thất bại”.

Shen Dingli dự doán, Tổng thống Trump sẽ sớm nhận thấy ông ấy chẳng có lựa chọn nào mà phải ngồi lại với ông Kim Jong Un, cũng giống như Richard Nixon đã từng ngồi lại với Mao Trạch Đông.

“Trump là người thông minh. Ông ấy sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên chấp nhận Triều Tiên”, Shen Dingli nhận xét.

Nguồn: theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Khói và tàn bụi phủ kín vùng Tây Bắc Thái Bình Dương

Khói và tàn bụi phủ kín vùng Tây Bắc Thái Bình Dương

Hàng chục vụ cháy rừng đang lan rộng khắp vùng Tây Bắc Thái Bình Dương đã bùng lên trong tuần này, làm xuất hiện những đám khói mờ từ thác Cascade.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất