Trung Quốc công bố 'Made in China 2025', Mỹ lập tức cảnh giác trước mối đe dọa thống trị lĩnh vực kỹ thuật độc quyền của các công ty Mỹ và phương Tây

Sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch 'Made in China 2025', Mỹ đã lập tức cảnh giác. Một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, kế hoạch 'Made in China 2025' phải dựa vào 'mua' và 'ăn cắp' để đạt được.

21:30 24/08/2018

Mấu chốt của vấn đề ở chỗ “Made in China 2025” thực chất là chiến lược quốc gia của Trung Quốc nhằm xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược, những lĩnh vực này đều là lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Mỹ.

Do đó, kế hoạch này đã trở thành mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong những ngành trên.

Ngày 25/6/2018, phóng viên Reuters đưa tin mấy phóng viên Trung Quốc tiết lộ họ đã nhận được chỉ thị từ nay không được nhắc đến cụm từ “Made in China 2025” nữa.

Trên mạng lan truyền một bản chỉ thị miệng về việc này nhưng nhanh chóng bị gỡ xuống. Ngày 24/7, khi Bộ Công nghiệp & Tin học Trung Quốc thông báo về tình hình 6 tháng đầu năm đã không hề nhắc đến cụm từ “Made in China 2025”.

Khi bị phóng viên nước ngoài truy hỏi, có phải kế hoạch vĩ mô này không còn thực thi nữa hay không? Ông Hoàng Lệ Tân, người phát ngôn bộ này đã lẩn tránh không trả lời trực tiếp. Cũng theo Reuters, trong 5 tháng đầu năm 2018 trong các bản tin của Tân Hoa xã có tới 140 lần cụm từ “Made in China 2025” được nhắc tới, trong khi từ đầu tháng 6 trở đi, cụm từ này đã biến mất.

Chế tạo robot là một trong những lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch “Made in China 2025”

"Made in China 2025" – một kế hoạch hoành tráng

Kế hoạch "Made in China 2025" là gì? Vì sao Trung Quốc lại đột nhiên không đề cập đến nó sau khi Chiến tranh thương mại với Mỹ bùng nổ?

Có thể tóm tắt, "Made in China 2025" là một trong những kế hoạch khiến Mỹ lo ngại khi chính phủ Trung Quốc theo đuổi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, nhất là các ngành công nghệ và kỹ thuật cao như viễn thông, vũ trụ, trí tuệ nhân tạo.

Mỹ lo ngại các vấn đề bản quyền hay sở hữu trí tuệ của mình sẽ bị "Made in China 2025" tác động tiêu cực; việc triển khai kế hoạch "Made in China 2025" đã làm Mỹ tức giận.

Tổng thống Donald Trump lập tức dọa tăng thuế hàng xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ lên đến mức 50 tỷ USD và xem xét các quy định nhằm ngăn cản các công ty có vốn đầu tư ít nhất 25% từ Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp Mỹ có sở hữu công nghệ công nghiệp quan trọng.

Tóm lại, "Made in China 2025 bị coi là một nhân tố kích động Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra cuộc chiến thương mại với quy mô lớn đối với Trung Quốc, khiến họ bất ngờ và bị động.

"Made in China 2025" là chính sách dành cho ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc; đồng thời là cương lĩnh 10 năm đầu tiên để chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành "cường quốc chế tạo".

Kế hoạch này được Quốc Vụ viện công bố ngày 8/5/2015. Theo kế hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Trung Quốc sẽ từ "chế tạo đại quốc" trở thành "chế tạo cường quốc"; sau đó đến năm 2035 ngành chế tạo Trung Quốc sẽ vượt qua các cường quốc chế tạo Đức và Nhật.

Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên thế giới. Người Trung Quốc cho rằng, trong lịch sử họ từng là nước có ngành chế tạo đứng đầu thế giới; cho đến năm 1850, trình độ ngành này của Trung Quốc mới nhanh chóng sa sút.

Vào năm 2010, Trung Quốc lại trở thành nước có ngành chế tạo lớn nhất. Hiện nay Trung Quốc có hơn 200 loại sản phẩm công nghiệp có sản lượng và lượng xuất khẩu đứng đầu thế giới, có khoảng 10 loại sản phẩm có lượng xuất khẩu chiếm trên 70% tổng sản lượng toàn thế giới.

Ngành chế tạo là lĩnh vực mức độ thị trường hóa cao nhất, cũng là trụ cột và cơ sở quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Tuy các sản phẩm công nghiệp tiêu thụ trên thị trường thế giới hiện nay phần lớn đều sản xuất ở Trung Quốc, nhưng ngành chế tạo nước này phần lớn dựa vào thiết bị và nhân viên của nước ngoài; việc gia công và phỏng chế là chủ yếu đã khiến khả năng sáng tạo và chất lượng sản phẩm Trung Quốc vẫn thuộc hàng trình độ thấp của thế giới, kết cấu ngành nghề bất hợp lý…

Bộ Công nghiệp & Tin học Trung Quốc trên cơ sở tổng kết những nhược điểm, thế mạnh của công nghiệp chế tạo Trung Quốc để đề ra kế hoạch "Made in China 2025" chủ yếu xuất phát từ 3 điểm:

Thứ nhất, ứng phó với nhu cầu của cuộc cách mạng kỹ thuật và sự biến đổi về sản nghiệp mới trên toàn cầu; thứ hai, sau khủng hoảng tiền tệ, các nước đều xuất hiện động hướng mới trong việc phát triển ngành chế tạo; thứ ba, ngành chế tạo Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực quan trọng đã có đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Một bức tranh cổ động nói về vai trò của kế hoạch “Made in China 2025” đối với kinh tế Trung Quốc

Năm 2014, hơn 20 bộ, ngành, ủy ban thuộc Quốc Vụ viện do Bộ Công nghiệp & Tin học đứng đầu đã tổ chức hơn 50 viện sỹ cùng hơn 100 chuyên gia các ngành soạn thảo ra kế hoạch "Made in China 2025" báo cáo Quốc Vụ viện thẩm định, phê duyệt. Ngày 8/5/2015, kế hoạch này được Quốc Vụ viện thông qua và công bố, đến ngày 19/5 thì được phát hành.

Ngày 24/6/2015, Quốc Vụ viện Trung Quốc quyết định thành lập Tổ lãnh đạo xây dựng cường quốc chế tạo quốc gia do Phó Thủ tướng Mã Khải đứng đầu với 20 thành viên là lãnh đạo các bộ, ủy ban, ngành. Ngày 18/8/2016, Bộ Công nghiệp & Tin học quyết định chọn Ninh Ba làm thành phố thí điểm, đánh dấu việc kế hoạch "Made in China 2025" chuyển từ văn bản chỉ đạo sang thực thi cụ thể.

Nội dung của kế hoạch "Made in China 2025" lấy phương châm cơ bản là: thúc đẩy sáng tạo, chất lượng hàng đầu, ưu hóa kết cấu, nhân tài làm gốc; trọng điểm là nâng cao khả năng sáng tạo của ngành chế tạo, thúc đẩy kết hợp công nghiệp hóa và tin học hóa đi vào chiều sâu, nhấn mạnh năng lực cơ sở công nghiệp, tăng cường xây dựng chất lượng thương hiệu, thúc đẩy toàn diện ngành chế tạo thân thiện môi trường, thúc đẩy phát triển đột phá lĩnh vực trọng điểm, đi sâu điều chỉnh kết cấu ngành chế tạo tiên tiến, tích cực phát triển ngành dịch vụ, nâng cao trình độ quốc tế hóa ngành chế tạo….

Trọng điểm phát triển bao gồm 10 lĩnh vực như Robot, tự động hóa, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phương tiện sử dụng năng lượng thay thế (xe điện), vận chuyển cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, thiết bị điện và vật liệu mới (năng lượng mặt trời), phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị viễn thông cũng như các máy móc nông nghiệp.

"Made in China 2025" đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, như 70% tự cung tự cấp cho các thành phần cốt lõi và nguyên liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không và sản xuất thiết bị viễn thông.

Tất cả những ngành công nghiệp kể trên đều sẽ nhận được hỗ trợ từ chính phủ bằng những khoản vay lãi xuất thấp, miễn phí thuê đất đai và thậm chí là miễn thuế nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh trên thế giới trong những lĩnh vực này.

Những kế hoạch này rất táo bạo vì chúng không nhắm đến việc đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường trong nước, mà chúng nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới. Có nguồn tin nói, để biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại đổ vào dự án này khoảng 300 tỷ USD.

Người máy công nghiệp được đặc biệt quan tâm trong kế hoạch “Made in China 2025”

Trung Quốc được coi là "công xưởng của thế giới" trong nhiều năm qua, nhưng họ vẫn chủ yếu sản xuất các mặt hàng công nghệ thấp. Trước đây khi nói đến "Made in China", người ta thường liên tưởng đến những sản phẩm rẻ tiền và chất lượng thấp. Kế hoạch "Made in China 2025" này chính là nhắm đến việc loại bỏ những quan niệm tiêu cực đó về sản phẩm Trung Quốc.

Sau khi kế hoạch "Made in China 2025" ban hành, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều hết lời ca ngợi, quảng bá. Tờ "Thời báo Tiền tệ" bình luận: "Ngành chế tạo là chiến trường sáng tạo chủ yếu, là nguồn cội quan trọng để giữ vững sức cạnh tranh quốc gia và khả năng sáng tạo"; mạng "Hòa tấn" thì cho rằng:

"Việc ban bố "Made in China 2025" sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sáng kiến "Vành đai, con đường". Các học giả cho rằng: "Made in China 2025" là con đường tất yếu để kinh tế - xã hội Trung Quốc phát triển…

Tự động hóa sản xuất - một lĩnh vực trọng điểm của kế hoạch “Made in China 2025”

Mỹ bất ngờ ra tay ngăn chặn

Sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch "Made in China 2025", Mỹ đã lập tức cảnh giác. Một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, kế hoạch "Made in China 2025" phải dựa vào "mua" và "ăn cắp" để đạt được.

Đây chính là nguyên nhân chính khiến Mỹ kích hoạt Điều tra 301 và đánh thuế các sản phẩm kỹ thuật Trung Quốc. Họ kết luận: ngoài trợ cấp nhà nước, chính phủ Trung Quốc cũng sử dụng nguồn lực nhà nước giúp các công ty Trung Quốc thu mua công nghệ và các ngành công nghiệp sản xuất chiến lược của nước ngoài, dùng nhu cầu tiếp cận thị trường Trung Quốc để ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo quốc gia tham gia hoạt động gián điệp thương mại.

Hồi tháng 5/2018, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khi tham dự buổi điều trần của Quốc hội Mỹ, khi đề cập đến "Made in China 2025" đã nói, nếu trong lĩnh vực phát triển trong tương lai, Bắc Kinh cạnh tranh lành mạnh như những nước khác thì không có vấn đề; nhưng bằng cách trợ cấp đầu tư 300 tỷ USD, hạn chế tiếp cận thị trường và dùng những thủ đoạn để buộc người ta phải chuyển giao công nghệ, lấy việc hy sinh lợi ích của các quốc gia khác làm cái giá phải trả thì đây dĩ nhiên là một vấn đề khác.

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ khi gây Chiến tranh thương mại là bóp chẹt, ngăn chặn Trung Quốc phát triển khoa học kỹ thuật

"Made in China 2025" khiến Trung Quốc trở nên đáng lo ngại và trở thành đối tượng để chính phủ của ông Donald Trump nhằm vào trong cuộc chiến mậu dịch. Các học giả Mỹ giải thích, nguyên nhân là do Trung Quốc lợi dụng sức mạnh hành chính để thúc đẩy khoa học kỹ thuật và sản nghiệp phát triển; bị coi là cách làm của chủ nghĩa tư bản nhà nước, gây nên sự cạnh tranh không công bằng khiến thế giới phương Tây bất bình.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington (Center for Strategic and International Studies - CSIS) cho rằng, điểm tranh cãi thực sự của "Made in China 2025" không phải ở chỗ Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về khoa học kỹ thuật cao, mà ở thủ đoạn để Trung Quốc đạt được mục tiêu đó. Ông cho rằng:

"Nhà nước (Trung Quốc) can thiệp quy mô lớn bằng nhiều công cụ, gây nên sự biến dạng thị trường, tác động xấu đến các công ty, quốc gia khác và chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu Trung Quốc áp dụng phương thức thân thị trường hơn thì sẽ không có tính phá hoại, sẽ không bị phản đối mạnh đến thế".

Ông cho rằng, tuy Trung Quốc luôn phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao kỹ thuật, nhưng việc họ thông qua thu mua ở nước ngoài, dùng thị trường đổi kỹ thuật và các biện pháp cưỡng bức chuyển nhượng kỹ thuật trá hình để có được kỹ thuật nước ngoài, cộng thêm việc họ hạn chế nhận đầu tư của nước ngoài đã tạo thành hành vi mậu dịch không công bằng, nhiều năm qua luôn bị chỉ trích.

Mặt khác, sau khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã được lên cỗ xe tự do mậu dịch toàn cầu, sau khi họ giành được tiến bộ rất lớn về kinh tế, người Mỹ cho rằng không thể tiếp tục chịu đựng những hành vi mậu dịch không công bằng của Trung Quốc được nữa. Paul Haenle, Chủ nhiệm Trung tâm chính sách toàn cầu Thanh Hoa – Carnegie khi trả lời phỏng vấn đã nói:

"Quan chức Trung Quốc luôn cho rằng Trung Quốc khác với Mỹ, luôn bảo vệ, ủng hộ và giữ gìn hệ thống mậu dịch đa phương – cốt lõi của WTO và sẽ tiếp tục làm như thế, nhưng hành vi của Trung Quốc nhiều năm nay hạn chế thị trường và cưỡng bức chuyển nhượng kỹ thuật lại phá hoại hệ thống mậu dịch toàn cầu và quy tắc của WTO".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phân tích cho rằng, nguyên nhân Mỹ nhằm vào "Made in China 2025" không chỉ là vấn đề mậu dịch không công bằng; nguyên nhân căn bản hơn là do xem xét an ninh và chiến lược của Mỹ. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ "Made in China 2025" thực chất là chiến lược quốc gia của Trung Quốc nhằm xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược như mạng 5G, an ninh mạng, công cụ chính xác, robot học, không gian vũ trụ...

Phần lớn những lĩnh vực này đều là lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Mỹ. Do đó, kế hoạch này đã trở thành mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong những ngành trên.

Việc Trung Quốc thông qua thủ đoạn phi thị trường hóa và biện pháp hành chính thúc đẩy kế hoạch "Made in China 2025" đã tạo cớ tốt cho Mỹ để họ kiềm chế sức cạnh tranh quốc gia, sự phát triển khoa học kỹ thuật và sự sáng tạo nghề nghiệp của Trung Quốc có thể tiếp cận với Mỹ.

Trung Quốc buộc phải quay trở lại "giấu mình chờ thời"?

Sau khi Mỹ nhân việc phát động Chiến tranh thương mại để chèn ép, kiềm chế Trung Quốc, ở Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói về việc liệu có nên quay trở lại "giấu mình chờ thời" về mặt chiến lược.

Có nhà quan sát cho rằng, những năm gần đây tư thế của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế ngày càng cao dần, một mặt cự tuyệt đi con đường phương Tây, mặt khác đề xuất cống hiến trí tuệ và phương án của Trung Quốc; về quân sự và ngoại giao Bắc Kinh ngày càng cứng rắn, bao gồm mở rộng, tôn tạo và bố trí trái phép các thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; năm 2017 còn bố trí một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài trên đất Djibouti.

Nhà báo Lưu Á Đông, Tổng biên tập "Nhật báo Khoa học kỹ thuật " phê phán phim "“Lợi hại thay, nước ta” thổi phồng thành tựu khoa học kỹ thuật của Trung Quốc

Những hành động đó khiến cộng đồng quốc tế cho rằng, Trung Quốc đã thay đổi tư duy chiến lược "giấu mình chờ thời" được thực thi từ thời ông Đặng Tiểu Bình đến thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.

Tiếp đó sự xuất hiện của bộ phim "Lợi hại thay , nước ta" và các khẩu hiệu quá khích dày đặc trên các phương tiện truyền thông chính thống và mạng xã hội càng khiến bên ngoài thêm lo ngại, hoang mang về ý đồ chiến lược của Trung Quốc; thậm chí dẫn tới phái ôn hòa Mỹ cũng cảm thấy bất an, lo ngại Trung Quốc sẽ uy hiếp địa vị "đại ca toàn cầu" của Mỹ.

Với việc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ ngày càng leo thang, trong nước Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những tiếng nói trái chiều. Đầu tiên là Tổng biên tập tờ "Nhật báo Khoa học kỹ thuật" Lưu Á Đông cuối tháng 6 lên tiếng nói thẳng " Nước ta" cũng có chỗ không "lợi hại" đâu, gây nên phản ứng mạnh mẽ.

Sau đó, Giáo sư Lý Hiểu, Viện trưởng Tiền tệ, Học viện Kinh tế, Đại học Cát Lâm khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp đã lo lắng bày tỏ: "Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc gặp mối nguy hiểm mới", "cần cảnh giác với Nghĩa Hòa Đoàn về tri thức", mong muốn hạ nhiệt tư tưởng dân tộc cực đoan.

Tiến sỹ Cao Thiện Văn ở Công ty "An Tín Chứng khoán" (Essence Securities) thậm chí cho rằng " Made in China 2025 " đã thách thức ưu thế của Mỹ trên lĩnh vực kỹ thuật cốt lõi; mô thức hoạt động kinh tế do chính phủ chủ đạo của Trung Quốc ngày càng uy hiếp mô thức kinh tế tự do của Mỹ và cạnh tranh địa vị của các công ty Mỹ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến sự va chạm trong lĩnh vực kinh tế, mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt.

Giáo sư Lý Hiểu lo lắng bày tỏ: “Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc gặp mối nguy hiểm mới”, “cần cảnh giác với Nghĩa Hòa Đoàn về tri thức” và mong muốn hạ nhiệt tư tưởng dân tộc cực đoan

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy rõ sự thay đổi trong tuyên truyền; từ tháng 6, trên báo chí cụm từ "Made in China 2025" đột nhiên biến mất cùng những tin rỉ tai về việc chỉ đạo né tránh nhắc đến kế hoạch này.

“Made in China 2025” là chính sách dành cho ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc; đồng thời là cương lĩnh 10 năm đầu tiên để chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành “cường quốc chế tạo”.

Kế hoạch này được Quốc Vụ viện công bố ngày 8/5/2015. Theo kế hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Trung Quốc sẽ từ “chế tạo đại quốc” trở thành “chế tạo cường quốc”; sau đó đến năm 2035 ngành chế tạo Trung Quốc sẽ vượt qua các cường quốc chế tạo Đức và Nhật.

Tuy nhiên, “Made in China 2025” đã thách thức ưu thế của Mỹ trên lĩnh vực kỹ thuật cốt lõi; bị coi là đã chọc giận ông Donald Trump và là nguyên nhân sâu xa khiến sự va chạm trong lĩnh vực kinh tế, mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt.

Theo Soha

Tags:
Tiền Trung Quốc đang bị cả thế giới 'ngoảnh mặt'

Tiền Trung Quốc đang bị cả thế giới 'ngoảnh mặt'

Thách thức của Trung Quốc không chỉ nằm tại Mỹ. Ở Úc và Canada, họ cũng đang gặp tình trạng tương tự. Ngay cả châu Âu - điểm đến ưa thích của nước này - cũng đang dần khắt khe.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất