TT Trump ‘cảnh cáo’ APEC: ‘Hãy chơi công bằng với Mỹ!’

“Hãy chơi công bằng với Mỹ!”

03:25 12/11/2017

Đó là thông điệp rất mạnh mẽ của Tổng Thống Donald Trump trong bài diễn văn của ông đọc trước tổng giám đốc các quốc gia APEC, ngay khi ông vừa đáp xuống phi trường quốc tế Đà Nẵng chỉ không đầy nửa giờ, hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Một.

“Trong tiến trình thực hiện phát triển kinh tế của mình, quý vị tìm cách mở rộng thương mại với các nước khác, và tạo ra đối tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau để trực tiếp hưởng lợi cùng nhau,” ông Trump nói.

Ông tiếp: “Hôm nay, tôi đến đây, để tái lập lại một sự đối tác với nước Mỹ, để cùng nhau tạo thêm sức mạnh trong tình bạn và buôn bán giữa các quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và cùng nhau gia tăng thịnh vượng và an ninh.”

“Cốt lõi của đối tác này là chúng ta làm cho quan hệ thương mại gia tăng, dựa trên nguyên tắc công bằng và có qua có lại,” nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Ông tuyên bố: “Khi Hoa Kỳ bước vào mối quan hệ thương mại với các quốc gia hoặc người dân khác, chúng tôi sẽ, kể từ nay, mong đợi mọi người tôn trọng luật chơi, giống như chúng tôi tôn trọng.”

Mở rộng thị trường 

Ông Trump nói Hoa Kỳ muốn các thị trường sẽ mở cửa như nhau giữa hai bên đối tác, và “lãnh vực tư nhân, chứ không phải các nhà hoạch định kinh tế của nhà nước, trực tiếp đầu tư vào doanh nghiệp.”

Tổng Thống Donald Trump bước ra khỏi máy bay tại phi trường Đà Nẵng. (Hình: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images)

“Điều không may là trong một thời gian quá lâu và tại rất nhiều nơi, lại xảy ra điều ngược lại,” ông Trump nói thẳng thừng. “Trong nhiều năm, nước Mỹ mở cửa thị trường một cách có hệ thống với rất ít điều kiện. Chúng tôi giảm mức thuế quan, hoặc bỏ hẳn luôn, giảm rào cản thương mại, và cho phép hàng hóa ngoại quốc được nhập cảng một cách tự do.”

Ông Trump phàn nàn rằng trong khi Hoa Kỳ giảm rào cản thị trường, các nước khác lại đóng đối với Mỹ.

Rồi ông chuyển sang chỉ trích Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

“Các quốc gia ôm chặt lấy WTO, ngay cả họ không tôn trọng các nguyên tắc được viết ra. Nói một cách đơn giản, chúng tôi không được đối xử tử tế trong WTO. Các tổ chức như WTO chỉ có thể hoạt động tốt khi tất cả quốc gia thành viên tuân thủ luật lệ và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia thành viên,” nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói tiếp.

Ông khẳng định: “Chúng ta không thể có thị trường mở nếu chúng ta không bảo đảm thị trường được tiếp cận một cách công bằng.”

“Cuối cùng mà nói, giao thương không công bằng chỉ làm hại tất cả chúng ta,” ông Trump khẳng định. “Hoa Kỳ khuyến khích doanh nghiệp, sáng tạo, và kỹ nghệ trong lãnh vực tư nhân, trong khi các nước khác sử dụng doanh nghiệp quốc doanh, do nhà nước quy hoạch.”

Gian lận 

Ông cũng phàn nàn là Mỹ tôn trọng các nguyên tắc của WTO trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và bảo đảm mở cửa thị trường một cách công bằng và bình đẳng, các nước khác lại dùng chính sách đổ hàng dư thừa, trợ giá hàng hóa, thao túng tiền tệ, và có những chính sách kỹ nghệ mánh mung.

“Họ không tôn trọng luật lệ để có lợi thế hơn đối với những người tôn trọng luật lệ, tạo ra tình trạng sai lệch vô cùng lớn trong thương mại, và đe dọa những căn bản của thương mại quốc tế,” ông Trump tiếp tục. “Những hành động này, cùng với những thất bại chung trong việc giải quyết vấn đề, gây thiệt hại cho người dân chúng tôi, cũng như cho các nước khác. Việc làm, hãng xưởng, và các kỹ nghệ của Mỹ, cũng như tại các nước khác, bị mất. Thêm vào đó, các cơ hội đầu tư để đôi bên cùng có lợi cũng bị mất luôn, bởi vì người ta không tin vào hệ thống này nữa.”

Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tại buổi tiệc tối dành cho các nhà lãnh đạo và phu nhân tối 10 Tháng Mười Một. (Hình: VNExpress)

Ông Trump nói rằng, mới đây, ông có đề cập chuyện buôn bán không công bằng với Mỹ, khi nói chuyện với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, nhưng ông không phàn nàn Trung Quốc hoặc bất cứ quốc gia nào, bởi vì, nước nào cũng phải làm như vậy vì quyền lợi quốc gia.

Nhưng ông lại nói rằng: “Ước gì các vị tiền nhiệm của tôi thấy điều này và làm một cái gì đó để ngăn chặn. Họ đã không làm gì cả, nhưng tôi sẽ làm.”

“Cây gậy và củ cà rốt” 

Tổng thống Hoa Kỳ cảnh cáo: “Chúng tôi không thể nào dung thứ cho tình trạng lạm dụng thương mại liên tiếp như vậy nữa. Cho dù có những lời hứa cuội trong nhiều năm, chúng tôi được cho biết rằng, một ngày nào đó, mọi người sẽ đối xử một cách công bằng và một cách có trách nhiệm.”

“Người dân Mỹ và người dân khắp vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đã chờ đợi ngày đó đến. Thế nhưng, ngày đó chưa bao giờ đến, và vì thế mà tôi đến đây hôm nay – để nói thẳng về những thách thức và công việc, làm cho tương lai chúng ta tươi sáng hơn,” ông tiếp tục cảnh cáo. “Kể từ nay về sau, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên căn bản công bằng và tương xứng. Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa.”

Ông nhấn mạnh: “Tôi sẽ luôn luôn đặt nước Mỹ trên hết, cũng như tất cả quý vị trong phòng này, đặt đất nước của quý vị lên trên hết.”

Sau khi đưa ra những lời cảnh cáo, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra “thông điệp” của ông.

“Hoa Kỳ chuẩn bị làm việc với từng lãnh đạo trong căn phòng này, để có nền thương mại có lợi cho cả đôi bên, quốc gia của quý vị và quốc gia của tôi. Đó là thông điệp mà tôi đến đây để chuyển cho quý vị,” ông nói tiếp.

Ông cũng nói ông sẽ thiết lập thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia trong vùng, và sẽ không để các hiệp ước thương mại lớn trói tay Hoa Kỳ, làm cho Hoa Kỳ phải nhượng bộ chủ quyền, và làm cho các luật lệ có ý nghĩa quan trọng không thể thực hiện được.

“Chúng tôi sẽ thỏa thuận trên căn bản tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi. Chúng tôi sẽ tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của quý vị. Chúng tôi muốn quý vị mạnh mẽ, giàu có, tự lực, có từ nguồn gốc lịch sử của quý vị, và vươn tới tương lai. Đó là cách chúng ta sẽ vươn lên cùng nhau, qua các hợp tác thật sự và có giá trị lâu dài,” vị tổng thống Mỹ nói.

Ông đe dọa: “Nhưng đối với thỏa thuận này – và tôi gọi nó là giấc mơ Đông Nam Á-Thái Bình Dương – nếu sắp được hình thành, chúng ta phải bảo đảm tất cả các quốc gia phải tuân thủ luật lệ, điều mà hiện nay họ không làm. Những quốc gia nào tuân thủ sẽ là đối tác kinh tế thân thiện nhất của chúng tôi. Những nước nào không tuân thủ có thể chắc rằng Hoa Kỳ sẽ không còn làm ngơ đối với các vi phạm, gian lận, hoặc gây hấn kinh tế. Thời kỳ này, nay đã chấm dứt.”

Kinh tế là an ninh 

Tổng Thống Trump cho rằng, sở dĩ ông nêu ra vấn đề này là bởi vì đó là an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

“Kinh tế vững vàng là an ninh quốc gia. Đây là chuyện sống còn – đối với sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ,” ông Trump nói. “Chúng tôi cũng biết rằng, chúng tôi sẽ không có sự thịnh vượng bền lâu nếu chúng tôi không đối đầu với các đe dọa lớn đối với an ninh, chủ quyền, và sự ổn định trong thế giới ngày nay.”

Ông kêu gọi mọi quốc gia cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề ông nêu ra, để bảo đảm có một khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương yên bình, giàu có, và tự do buôn bán.

“Tôi tin rằng, cùng với nhau, mỗi vấn đề mà chúng ta đề cập hôm nay sẽ được giải quyết, và mỗi thách thức chúng ta đối đầu sẽ được khắc phục,” ông nói.

Ông tiếp: “Nếu chúng ta thành công trong cố gắng này, nếu chúng ta nắm bắt các cơ hội trước mặt và dựa vào sự hợp tác chắc chắn vì quyền lợi của người dân chúng ta, cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được mọi thứ mà chúng ta muốn, cho đất nước và con cháu chúng ta.”

Quan hệ Mỹ-Việt 

Trong phần đầu bài diễn văn, ông Trump có nhắc đến Đà Nẵng và khen ngợi Việt Nam.

Ông nói thành phố này từng là nơi có một căn cứ Mỹ, trong một quốc gia mà nhiều người Mỹ và người Việt Nam thiệt mạng trong cuộc chiến đẫm máu.

Tuy nhiên, ông Trump nói, “Hôm nay, chúng ta không còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.”

Ông cũng nói hải cảng Đà Nẵng bây giờ có nhiều tàu bè ra vào, có hàng triệu du khách đến để thưởng thức các bãi biển đẹp, đầy ánh nắng, cùng các di tích lịch sử.

“Hồi đầu thập niên 1990, gần nửa dân số Việt Nam chỉ kiếm được vài đô la một ngày, và một trong bốn người không có điện để sử dụng. Ngày nay, Việt Nam là một trong những nước có một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, tăng hơn 30%, và sinh viên Việt Nam nằm trong số những sinh viên xuất sắc nhất thế giới. Rất là ngạc nhiên,” Tổng Thống Donald Trump nói.

Ông cũng chia buồn với người dân Việt Nam vừa phải chịu cơn bão Damrey ập vào miền Trung.

Cuối bài diễn văn, Tổng Thống Donald Trump đề cập đến độc lập quốc gia, và nhắc đến Hai Bà Trưng.

Ông nói: “Bảo vệ chủ quyền là một điều vô cùng quan trọng đối với bất cứ một người yêu nước nào, một quốc gia nào. Và Việt Nam, nước chủ nhà tổ chức APEC, biết điều này không chỉ 200 năm mà tới gần 2,000 năm. Và điều này xảy ra vào khoảng năm 40 Trước Công Nguyên, khi hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, lần đầu tiên vực dậy tinh thần này của người dân trên đất nước này. Lúc đó, lần đầu tiên, người Việt Nam bảo vệ quyền độc lập và niềm tự hào của quý vị.”

Có hai sự kiện khác xảy ra vào cùng thời điểm Tổng Thống Donald Trump đến Việt Nam.

Thứ nhất, theo tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội, một ngày trước khi ông Trump đến Đà Nẵng, Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức một buổi lễ, có sự tham dự của ông Thomas Shannon, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, và Trung Tướng Nguyễn Phương Nam, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, xác định phi trường này không còn chất độc dioxin, có từ thời chiến tranh Việt Nam.

Chương trình tẩy chất độc dioxin do Mỹ tài trợ và hợp tác với Việt Nam, được thực hiện từ năm 2012.

Thông cáo của tòa đại sứ trích lời ông Shannon cho biết, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong việc tẩy chất dioxin tại phi trường quân sự Biên Hòa ở tỉnh Đồng Nai.

Thứ nhì, trước lúc ông Trump đến Đà Nẵng, ông Daniel Kritenbrink, tân đại sứ Mỹ ở Hà Nội, cho biết, Hoa Kỳ quyết định viện trợ $1 triệu cho Việt Nam để khắc phục hậu quả bão Damrey.

Tags:
Ngoại trưởng Mỹ: 'Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump có ý nghĩa quan trọng'

Ngoại trưởng Mỹ: 'Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump có ý nghĩa quan trọng'

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất