Từ anh chàng không rành tiếng Anh đến vị bác sĩ thành danh trên đất Mỹ

Nếu muốn sống một cuộc đời rực rỡ, bạn phải nỗ lực hết mình. Hãy can đảm để bắt đầu những điều mới mẻ, lắng nghe con tim để sống hết mình với đam mê.

11:00 28/07/2023

Từng tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Mỹ, sau vài năm bôn ba với công trường và những bản thiết kế, anh chàng Huỳnh Wynn Trần quay trở lại với giảng đường để học y. “Cú bẻ lái” đầy bất ngờ ấy đã cho anh những trải nghiệm tuyệt vời để hiểu hơn về chính bản thân mình. Chặng đường gian nan để trở thành một thiên thần áo trắng ở xứ sở cờ hoa đã được bác sĩ Huỳnh Wynn Trần kể lại trong cuốn tự truyện Từ kiến trúc sư thành bác sĩ ở Hoa Kỳ.

Trở thành một kiến trúc sư giỏi không còn là giấc mơ đẹp trên đất Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, cậu học trò 18 tuổi Trần Huỳnh quyết định thi vào trường Kiến trúc. Vốn là dân chuyên Toán của trường THPT Bạc Liêu, những khái niệm về nghề kiến trúc sư với chàng trai trẻ lúc đó khá mơ hồ. Chỉ vì mê lối sống, phiêu bồng, pha chút lãng tử của anh chủ quán cafe gần nhà nên Trần Huỳnh quyết định gắn tương lai của mình với những bản thiết kế. Khi bước chân vào giảng đường, chàng trai trẻ bắt đầu tỉnh mộng.

Cuốn sách Từ kiến trúc sư thành bác sĩ ở Hoa Kỳ của bác sĩ Huỳnh Wynn Trần. Ảnh: Sống. 

Vì kĩ năng vẽ còn kém, nên thời gian đầu, việc học hành có vẻ hơi vất vả với “chàng công tử Bạc Liêu”. Trần Huỳnh thường phải nhờ thầy cô kèm cặp thêm sau giờ học. Từ một anh chàng còn lóng ngóng với việc vẽ màu nước, tới năm thứ ba đại học, chàng thanh niên ấy đã trở thành một sinh viên giỏi, với điểm trung bình đứng đầu lớp. Đúng lúc đó, Trần Huỳnh biết tin gia đình mình sẽ sang Mỹ định cư.

Anh cảm thấy hoang mang trước sự thay đổi quá đường đột ấy. Đã có lúc, chàng trai ấy nghĩ rằng mình sẽ ở lại, để tiếp tục việc học tại Việt Nam. Khi ấy, ba anh lại khuyên con trai nên đi cùng với cả nhà. Mỹ là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, tới đó biết đâu sẽ gặp được nhiều cơ hội cho bản thân. Nhưng cũng có người nói với anh rằng: Bằng cấp ở Việt Nam không được xem trọng tại Hoa Kỳ. Nhiều người tốt nghiệp đại học trong nước, khi sang bên đó vẫn phải lao động chân tay để kiếm sống.

Với sự can đảm của chàng trai vừa mới bước qua tuổi 20, Trần Huỳnh quyết định ra đi. Thế nhưng, cuộc đời không phải là giấc mơ màu hồng. Không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, chỉ có thể nghe và hiểu những từ cơ bản, cuộc sống của chàng công tử Bạc Liêu ở Michigan không dễ dàng. Anh chợt nhận ra: Để thành công, việc đầu tiên là phải giỏi tiếng Anh. Ban ngày đi làm, ban đêm Huỳnh Wynn Trần theo học một lớp ESL (English as a Secon Language) cùng với một số người nước ngoài mới sang nhập cư.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần đã được Tạp chí Barcode Magazine Vietnam bình chọn là Công dân toàn cầu.  Ảnh: Sống. 

Sau khi vốn tiếng Anh đã ổn, anh chàng quyết định đăng kí vào trường cao đẳng cộng đồng để thực hiện ước mơ trở thành kiến trúc sư còn dang dở. Sau ba năm đặt chân lên đất Mỹ, Huỳnh Wynn Trần đã trở thành sinh viên của Đại học Kiến trúc Michigan.

Thế nhưng, việc phải chật vật kiếm sống với tấm bằng đại học sau khi tốt nghiệp, anh không khỏi đắn đo. Nhiều kiến trúc sư giỏi sau hơn chục năm hành nghề có thể mở công ty riêng. Do những khác biệt về văn hóa, người dân Mỹ không mấy ưu ái cho những công ty kiến trúc do người nước ngoài làm chủ, đặc biệt là người châu Á. Giờ đây, Huỳnh Wynn Trần quyết định tìm hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Chặng đường gian nan để được khoác áo blouse trắng

Nhớ lại ngày đầu tiên đến Mỹ, bố của tác giả đã bị lên cơn đau tim. Nhờ sự nhiệt tình của các bác sĩ ở đây, chàng trai người Việt dần có thiện cảm với nghề y. Trong thời gian làm kiến trúc sư, anh có đi tới một phòng khám để xem xét thực địa, phục vụ cho việc đưa ra các ý tưởng thiết kế.

Biết Huỳnh Wynn Trần có ý định chuyển hướng sang học trường y, bác sĩ Snyder, chủ của phòng khám trên, sẵn lòng cho chàng trai này đi theo ông, chỉ để xem ông khám bệnh. Nhờ sự nhiệt thành của vị bác sĩ tốt bụng, ước mơ được khoác áo blouse của Huỳnh Wynn Trần càng lớn lao hơn.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần làm việc tại bệnh viện

Để có thể bước chân vào cánh cổng trường y, ban đầu tác giả đăng kí học ngành Y sinh học (pre-medical studies) tại một trường đại học nào đại học nào đó. Lựa chọn của Huỳnh Wynn Trần chính là GVSU. Trường Đại học bang Grand Valley. Nhờ học tập chăm chỉ, tác giả đã lấy được văn bằng hai ngành Y sinh học với khoảng thời gian chỉ bằng phân nửa người khác.

Sau khi tốt nghiệp anh chàng hăm hở gửi thư xin học đến 30 trường y trên khắp nước Mỹ, nhưng sau đó vài tuần Huỳnh Wynn Trần nhận được 29 lá thư từ chối. Ngôi trường duy nhất chào đón anh lại không đáp ứng được một số mong mỏi của chàng trai này.

Sau vài lần thất bại, cuối cùng anh cũng đã vượt qua kì thi MCAT (Medical College Admission Test). Cánh cửa trường đại học y dường như gần thêm một chút. Cuối cùng cánh cửa của Đại học New York tại Buffalo cũng rộng mở để chào đón tân sinh viên người Việt. Ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai giàu nghị lực cuối cùng cũng trở thành hiện thực.

Trong cuốn tự truyện Từ kiến trúc sư thành bác sĩ ở Hoa Kỳ, Huỳnh Wynn Trần còn chia sẻ với độc giả những câu chuyện cảm động trong thời gian anh làm bác sĩ nội trú tại nhiều bệnh viện lớn của Mỹ. Nghề y, không chỉ cần một cái đầu thông minh và đôi tay khéo léo. Quan trọng hơn cả, một bác sĩ giỏi cần trái tim biết lắng nghe.

Đường đời chẳng mấy khi khi bằng phẳng, định mệnh sẽ sắp đặt để chúng ta gặp những ngã rẽ. Ở đó, các bạn phải đối diện với nhiều lựa chọn. Có người sẽ phải bước chậm lại vài nhịp để nghỉ ngơi. Đôi khi, chúng ta phải buông bỏ những gì mình đã đạt được trong quá khứ để bắt đầu từ con số 0. Sự thay đổi cho chúng ta cơ hội để trưởng thành và tôi luyện một ý chí mạnh mẽ. Không bao giờ là quá muộn để đi tìm những điều tốt đẹp.

Nguồn: Zing.vn

Tags:
Cảnh du học sinh nhà ít tiền vẫn cố đi du học: Kiệt sức, sắp thành “liệt sỹ“ trước khi trở thành thạc sỹ

Cảnh du học sinh nhà ít tiền vẫn cố đi du học: Kiệt sức, sắp thành “liệt sỹ“ trước khi trở thành thạc sỹ

Nhiều bạn du học sinh luôn nuôi hy vọng giấc mơ hồng du học khi vừa học vừa kiếm tiền, thậm chí kiếm dư ra gửi về cho gia đình. Nhưng áp lực học hành và tài chính có thể khiến nhiều sinh viên gục ngã, ngậm đắng bay về khi mới học vài tuần.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất