USCIS áp dụng quy định ‘gánh nặng xã hội’: Ai sẽ bị ảnh hưởng?

Kể từ ngày 24 Tháng Hai, 2020, Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) chính thức áp dụng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, ngoại trừ tiểu bang Illinois, các quy định về “gánh nặng xã hội.”

00:30 01/03/2020

Những người đã có thẻ xanh, là thường trú nhân tại Hoa Kỳ, cho dù có hưởng các trợ cấp xã hội như WIC, SNAP, SSI, Food Stamps đều không bị ảnh hưởng tới việc gia hạn thẻ xanh hay thi quốc tịch.

Trước đó, hôm 27 Tháng Giêng vừa qua, Tối Cao Pháp Viện cho phép chính quyền Tổng Thống Donald Trump bắt đầu thực thi chính sách hạn chế người nhập cư nếu họ có “tiềm năng” trở thành “gánh nặng xã hội” (còn gọi là “public charge”).

Việc cơ quan USCIS thực hiện các quy định về “gánh nặng xã hội” này ít nhiều gây hoang mang trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhất là những người đang và sẽ nộp hồ sơ nhập cư vào Hoa Kỳ. Nhiều người đã không dám nộp đơn xin các khoản trợ cấp xã hội dù đủ tiêu chuẩn chỉ vì sợ sẽ gặp rắc rối khi làm hồ sơ xin thẻ xanh, xin chuyển diện di trú

Phóng viên có cuộc trao đổi về vấn đề này với Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu ở Irvine. Luật Sư Chương là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California, được Luật Sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 190,000 luật sư nhưng chỉ có 238 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương.

*Phóng viên: Thưa luật sư, vừa qua cơ quan USCIS ban hành một số quy định về “gánh nặng xã hội” và bắt đầu áp dụng từ ngày 24 Tháng Hai tới đây. Nhiều người chỉ trích rằng luật này tạo ra để làm khó người nhập cư vào Mỹ. Xin ông giải thích có phải đúng như vậy không?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Đây không phải là luật mới. Luật Di Trú Hoa Kỳ có điều khoản về “gánh nặng xã hội” đã có hiệu lực từ năm 1996 (thời Tổng Thống Bill Clinton). Tuy nhiên, trước đây thì định nghĩa về “gánh nặng xã hội” không rõ ràng và không đòi hỏi kỹ như vậy. Nay chính phủ Tổng Thống Donald Trump muốn thực thi vấn đề này khắt khe hơn, nên các cơ quan về di trú như USCIS, Bộ Nội An (DHS) sẽ ra quy định chi tiết hơn về “gánh nặng xã hội.” Tổng Thống Trump không thể nào đổi luật, luật là do Quốc Hội đưa ra. Còn các cơ quan có liên quan theo đó sẽ đề ra những quy định để hướng dẫn thực hiện luật cho rõ ràng mà thôi.

WIC là chương trình hỗ trợ giúp đỡ các chị em phụ nữ đang mang thai hoặc mới sanh con. Xin WIC không bị ảnh hưởng tới việc xin nhập cư (xin thẻ xanh) hoặc chuyển diện di trú, gia hạn chiếu khán của quý vị.

*Phóng viên: Luật sư có thể nói rõ hơn về những điểm “khắt khe” trong chính sách mới về “gánh nặng xã hội” sẽ áp dụng tới đây?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Từ năm 1996 đến nay, chính phủ trước đây quan niệm “gánh nặng xã hội” chỉ đơn thuần là “gánh nặng” vấn đề tài chánh. Chính vì vậy nên các đương đơn chỉ cần làm cam kết bảo trợ tài chánh (theo mẫu I-864 hoặc I-864a) là sẽ được chấp thuận hồ sơ di trú.

Dưới thời Tổng Thống Trump, ông muốn định nghĩa lại chữ “gánh nặng xã hội” một cách chi tiết và mở rộng hơn. Ngoài xem xét hồ sơ của các đương đơn về khả năng bảo trợ tài chính, còn xét tới các khía cạnh khác như:  kỹ năng, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, học vấn… Dựa vào các tiêu chí trên, các cơ quan về di trú sẽ quyết định rằng đương đơn này trong tương lai liệu có thể trở thành “gánh nặng xã hội” của Chính Phủ Hoa Kỳ hay không. Nếu không, thì sẽ được chấp thuận. Nếu có nguy cơ trở thành “gánh nặng xã hội” thì cơ quan USCIS có thể từ chối, tức không cho chuyển diện di trú hoặc cấp thẻ xanh.

*Phóng viên: Những người nào sẽ bị ảnh hưởng từ những điều lệ “gánh nặng xã hội” này, thưa luật sư?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Điều lệ này do Bộ Nội An (DHS) ban hành nên chỉ áp dụng đối với các đương đơn đang có mặt tại Hoa Kỳ, hiện đang làm hồ sơ xin gia hạn chiếu khán hoặc chuyển diện di trú.

Ví dụ các đương đơn xin chuyển diện từ du lịch sang du học (mẫu đơn I-539), xin gia hạn chiếu khán cho nhân viên làm việc tại Mỹ (mẫu đơn I-129), gia hạn chiếu khán diện tôn giáo… Những đương đơn cần xin thẻ xanh cũng bị ảnh hưởng như diện hôn phu/hôn thê (I-129F), du lịch/du học sau đó kết hôn hoặc con cái bảo lãnh ở lại (I-751)…

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu ở Irvine, Nam California. (Hình: YouTube Nguyen & Luu, LLP)

*Phóng viên: Vậy những người đã có thẻ xanh thì có bị ảnh hưởng không?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Những người đã có thẻ xanh, cho dù là thẻ xanh có điều kiện (thẻ xanh hai năm) họ đã là thường trú nhân đều không bị điều lệ “gánh nặng xã hội” gây ảnh hưởng.

Do đó, nếu họ có nhận các trợ cấp xã hội, thì đều không bị ảnh hưởng tới việc thi quốc tịch hay việc gia hạn từ thẻ xanh hai năm sang thẻ xanh 10 năm. Xin nhắc lại, điều lệ “gánh nặng xã hội” hiện chỉ áp dụng cho những người cần xin nhập cảnh.

*Phóng viên: Thưa luật sư, những thân nhân ở Việt Nam, đang làm hồ sơ bảo lãnh định cư Mỹ, có bị ảnh hưởng không?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Hiện tại thì không, nhưng tôi nghĩ trong tương lai, các diện này sẽ bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện cho phép Sở Di Trú chấp hành các chính sách về “gánh nặng xã hội” thì USCIS đã cho ra đời mẫu đơn I-944 có tên “Declaration of Self-Sufficiency” (Tuyên Bố Khả Năng Tự Lập) để hỏi tất cả các vấn đề liên quan tới “gánh nặng xã hội.”

Ngoài ra, Bộ Ngoại Giao cũng đang thảo ra một đơn DS-5540 có tên “Public Charge Questionaires” (Danh Mục Câu Hỏi Về Gánh Nặng Xã Hội) hoàn toàn tương tự. Mẫu đơn DS-5540 hiện đang chờ được chấp thuận, để áp dụng để xem xét các hồ sơ xin cấp chiếu khán và bảo lãnh cho các công dân nước ngoài tới Mỹ.

Do đó những hồ sơ xin visa và hồ sơ bảo lãnh từ các đương đơn tại Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng khi các văn bản trên được chấp thuận để chính thức áp dụng.

*Phóng viên: Trường hợp một người phụ nữ có thai, hiện đang chờ thẻ xanh do chuyển diện từ chiếu khán diện hôn thê sang diện vợ chồng, nếu cô đang nhận các trợ cấp xã hội, liệu có bị ảnh hưởng tới vấn đề xin thẻ xanh của cô không?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Các quy định về “gánh nặng xã hội” sẽ chỉ áp dụng với tất cả các trường hợp nộp hồ sơ từ ngày 24 Tháng Hai, 2020 trở đi. Do đó, những hồ sơ đã nộp trước ngày này, cho dù có đang lãnh các trợ cấp xã hội trước ngày này sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu ai đang lãnh trợ cấp xã hội sau ngày 24 Tháng Hai, nếu thấy điều này có thể ảnh hưởng hồ sơ của mình thì nên ngừng lại.

Đối với phụ nữ có thai, việc xin Medi-Cal và các trợ cấp xã hội, sẽ không bị ảnh hưởng tới hồ sơ xin thẻ xanh, cho dù người phụ nữ này có xin các trợ cấp sau ngày 24 Tháng Hai, 2020. Bởi vì những trợ cấp xã hội đó là của chính phủ dành cho đứa con sắp sanh, chứ không phải cho người mẹ. Người mẹ không phải là người lãnh quyền lợi đó, nên sẽ không ảnh hưởng tới hồ sơ.

Phụ nữ mang thai và sắp sinh, cho dù đang trong quá trình xin thẻ xanh định cư, vẫn có thể hưởng các trợ cấp mà không ảnh hưởng tới hồ sơ di trú.

*Phóng viên: Những khoản trợ cấp nào được coi là “gánh nặng xã hội?” Medicaid (ở California là Medi-Cal) có phải là “gánh nặng xã hội” không?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Những người đang lãnh tiền trợ cấp của chính phủ chẳng hạn như phiếu thực phẩm (food stamps), trợ cấp nhà (housing assistance), bảo hiểm y tế (Medicaid), phụ cấp lợi tức (SSI)… có thể coi là “gánh nặng xã hội.”

Tuy nhiên, quy định mới về “gánh nặng xã hội” không chỉ đề cập tới vấn đề đương đơn “đã và đang” hưởng trợ cấp, mà còn xét xem liệu đương đơn đó “sẽ” hưởng trợ cấp, “sẽ” trở thành “gánh nặng xã hội” trong tương lai hay không?

Do đó, cơ quan USCIS đưa ra một loạt các tiêu chí để xem xét hồ sơ cấp mới hoặc gia hạn chiếu khán, hoặc cấp thẻ xanh như: tuổi tác (dưới 18 tuổi, lớn hơn 62 tuổi là một bất lợi vì khả năng tự lo cho bản thân sẽ thấp), sức khỏe (có bệnh thường xuyên là một bất lợi), học vấn, kỹ năng (càng học cao, kỹ năng tay nghề giỏi càng có lợi thế), tài sản, lợi tức (càng nhiều càng tốt)…

*Phóng viên: Như vậy nếu đương đơn xin chuyển diện định cư (do chồng/vợ hoặc con cái, anh chị em bảo lãnh) mà họ vừa lớn tuổi, vừa có sức khỏe yếu, lại không có học vấn trình độ cao thì có nguy cơ cao là sẽ bị từ chối cấp thẻ xanh định cư cho dù mối quan hệ gia đình của họ là thật?

Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương: Trường hợp này nếu người bảo lãnh có đủ khả năng tài chánh để lo cho người được bảo lãnh, chẳng hạn như mua bảo hiểm y tế cho người được bảo lãnh, thì vẫn có thể chứng minh được đương đơn không phải là gánh nặng xã hội, đương đơn vẫn có thẻ xanh. Ngoài ra họ còn đưa ra khái niệm “public charge bond” (tiền thế chân).

Nếu một người tuổi cao, bệnh nặng, nếu Sở Di Trú nghĩ đương đơn có thể trở thành “gánh nặng xã hội” thì phải có tiền thế chân ít nhất là $8,100/người.

Còn nếu người bảo lãnh không có đủ khả năng tài chính lo được cho người được bảo lãnh, thì xác suất thành công là thấp, hồ sơ có thể bị từ chối vì lý do “gánh nặng xã hội.”

Khi xem xét một hồ sơ, các viên chức ngoại giao sẽ xét theo nhiều yếu tố, từng trường hợp riêng lẻ, không trường hợp nào giống trường hợp nào.

*Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư.

Tags:
Phản ứng của vợ chồng Công nương Kate trước thái độ kiêu ngạo, vô lễ của cặp đôi Harry - Meghan Markle

Phản ứng của vợ chồng Công nương Kate trước thái độ kiêu ngạo, vô lễ của cặp đôi Harry - Meghan Markle

Vợ chồng Công nương Kate đã có phản ứng giống nhau sau vụ lùm xùm của nhà Sussex

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất