Văn hóa súng đạn của Mỹ khởi nguồn từ đâu?

Tu chính án số 2 trong Hiến pháp Mỹ cho phép người dân có quyền giữ và mang vũ khí, điều đó đang gây ra những hệ lụy khôn lường cho nước này.

21:52 13/07/2017

Theo Washington Post, Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ được Quốc hội nước này thông qua vào ngày 15/12/1791 quy định: "Một dân quân tự vệ có kiểm soát tốt là rất cần thiết đối với an ninh của một quốc gia tự do, người dân có quyền giữ và mang vũ khí mà không vi phạm luật pháp".

Quốc hội Mỹ xem việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, một phần trong Tuyên ngôn Nhân quyền được thông qua cùng năm. Quyền của người dân về việc sở hữu vũ khí cho mục đích tự vệ cá nhân được mô tả trong các tác phẩm triết học và chính trị của các triết gia Aristotle, Cicero (thời Hy Lạp cổ đại), John Locke (người đóng góp về lý thuyết tự do trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ), Machiavelli (sử gia người Italy).

Từ đó, người dân Mỹ có quyền sở hữu súng cho mục đích tự vệ, chống áp bức và thực hiện các nghĩa vụ công dân phối hợp với nhà nước trong các hoạt động phòng thủ quốc gia cũng như các hoạt động săn bắn. Tuy nhiên, quy định mới trong Hiến pháp khiến tình trạng sở hữu súng ở Mỹ trở nên tràn lan.

Đến những năm 1920, tình hình an ninh xã hội Mỹ diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Các băng đảng xã hội đen như, North Side Mob, Chicago Outfit lộng hành khiến cuộc sống người dân thường xuyên bị đe dọa.

Cuộc đấu đá giữa các nhóm xã hội đen lên đến đỉnh điểm vào năm 1929 với vụ xã súng mang tên Cuộc thảm sát ngày Valentine khiến 7 người thiệt mạng. Đến năm 1933, nước Mỹ rúng động với vụ ám sát hụt Tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Tình hình an ninh nước Mỹ rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vũ khí đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển các loại vũ khí tự động có khả năng sát thương cao. Các nhà lập pháp nhận thấy, quyền sở hữu súng của người dân cần đưa vào một bộ luật cụ thể. Năm 1934, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Vũ khí quốc gia (NFA) nhằm kiểm soát hoạt động sản xuất, nhập khẩu, mua bán, đánh thuế vũ khí trên toàn quốc.

Bộ luật mới quy định, người dân không được phép sở hữu các loại súng máy, súng trường, súng ngắn nòng, vũ khí hạng nặng, vật liệu nổ, bộ phận giảm thanh. Việc mua bán các vũ khí trên phải được sự cho phép của Bộ Tư pháp và đăng ký liên bang. Ngoài ra, người sở hữu phải nộp khoản thuế 200 USD. Những người vi phạm luật NFA có thể bị phạt tù đến 10 năm.

Luật NFA chỉ kiểm soát việc sản xuất, mua bán và hạn chế một số loại vũ khí nhưng quyền sở hữu súng của công dân Mỹ vẫn được giữ nguyên theo Hiến pháp nước này.

Những lần sửa đổi

Súng là mặt hàng được phép buôn bán công khai ở . Ảnh: Globalnews

Luật NFA sửa đổi lần đầu vào năm 1938, các đại lý kinh doanh súng, đạn phải được cấp phép giữa các tiểu bang. Người kinh doanh phải ghi rõ doanh số bán hàng của họ. Ngoài ra, luật cấm bán súng cho những cá nhân từng bị kết án về tội bạo lực.

Lần sửa đổi tiếp theo diễn ra vào  năm 1968 sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963 bằng khẩu súng trường mua từ quảng cáo trên một tạp chí. Đạo luật kiểm soát súng năm 1968 cấm tất cả những người từng bị kết án, người sử dụng ma túy, mắc bệnh tâm thần mua và sở hữu súng. Bên cạnh đó, luật tăng độ tuổi được phép mua súng lên 21.

Đến năm 1994, Quốc hội Mỹ phê chuẩn Đạo luật kiểm soát tội phạm và bạo lực, một phần của luật NFA. Luật mới cấm sản xuất, mua bán các loại vũ khí tấn công bán tự động. 19 loại vũ khí trong đó có AR-15, một số phiên bản của AK-47, TEC-9, MAC-10 và tiểu liên Uzi được đưa vào danh sách cấm. Ngoài ra, luật cấm bán cho cá nhân hộp tiếp đạn có số lượng trên 10 viên.

Mặc dù quyền sở hữu vũ khí của người Mỹ để lại nhiều hậu quả thảm khốc từ các vụ xả súng nhưng các công dân nước này vẫn muốn bảo lưu đặc quyền đó. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 2/2013 ghi nhận, những người có súng nói rằng, họ cảm thấy an toàn hơn khi có nó bên cạnh. 48% người sở hữu súng dùng cho mục đích tự vệ, 32% dùng cho mục đích săn bắn.

Quyền sở hữu súng theo Tu chính án số 2 đang trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa các chính trị gia, đảng phái ở Mỹ. 79% đảng viên đảng Dân chủ tin rằng, luật kiểm soát súng cứng rắn hơn sẽ giảm số người chết trong khi chỉ có 29% ở đảng Cộng hòa tin vào điều đó.

Văn hóa súng đạn đã ăn sâu vào tiềm thức người Mỹ. Mặc dù nhiều người đã lên tiếng phản đối Luật vũ khí quốc gia nhưng 60% người dân nước này vẫn muốn bảo lưu luật. Người dân Mỹ sẽ còn phải chịu nhiều bi kịch từ các vụ xả súng chừng nào họ còn có thói quen sở hữu nó cũng như sự cho phép của luật pháp.

Tags:
Bà mẹ tuổi teen ném con mới sinh từ tầng 8 xuống vì sợ bố mẹ

Bà mẹ tuổi teen ném con mới sinh từ tầng 8 xuống vì sợ bố mẹ

Một phụ nữ Chicago đã ném đứa con mới sinh của mình từ cửa sổ xuống bởi cô lo sợ cha mẹ mình (vốn là người Hồi giáo đến từ Pakistan) không chấp nhận việc này, đã bị kết án quản chế.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất