Vì 'giấc mơ Mỹ', 2 anh em đi bộ 2.400 km qua cung đường chết chóc

Nghèo đói do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ thảm hoạ thiên nhiên, khiến nhiều người đang đặt cược số phận vào con đường di cư tới Mỹ qua biên giới Mexico bất chấp nhiều hiểm họa.

23:30 04/03/2021

Carlos, 19 tuổi cùng em trai Wilfredo, 14 tuổi, đi bộ ít nhất 2.400 km từ phía tây Honduras để đến mũi cực Nam biên giới Mỹ - Mexico, theo CNN. Những gì họ có chỉ là 2.000 peso Mexico (khoảng 100 USD) cùng với hai balô quần áo và bàn chải đánh răng.

Cũng như những người di cư khác, Carlos và em trai có nhiều lý do để phải rời quê hương. Theo họ, nghèo đói, bão và chính sách cởi mở hơn với người nhập cư của chính quyền ông Biden đều ảnh hưởng đến quyết định này. “Nếu bạn không còn con đường nào để kiếm sống ở nhà, bạn sẽ đến đây để tìm việc làm”, anh Carlos chia sẻ.

Nguoi di cu anh 1
Anh Carlos và em trai thực hiện cuộc hành trình về biên giới Mỹ - Mexico cùng một nhóm khác. Ảnh: CNN.

Theo CNN, vào đầu năm nay, dòng người di cư hướng về nước Mỹ gia tăng nhanh chóng. Số lượng người nhập cư trái phép bị bắt giữ tại biên giới phía nam nước Mỹ trong tháng 1 cao hơn nhiều so với cùng thời điểm ba năm trước. Mặc dù Mexico đã tăng cường an ninh biên giới với sự hiện diện lực lượng Vệ binh Quốc gia, hàng nghìn người vẫn đang tìm cách vượt qua.

Số người di cư gia tăng đột biến

Sau khi đến Mexico, hai anh em Carlos cùng hàng chục người di cư khác đã đến trại tị nạn La 72, nằm ngay bên kia biên giới ở thị trấn nhỏ Tenosique. Mặc dù bị cơ quan nhập cư Guatemala lấy hết số tiền họ có trên đường đi, hai người vẫn giữ tinh thần lạc quan.

Carlos chia sẻ: “Rất nhiều người như chúng tôi quyết định rời khỏi quê nhà và di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Mỗi đêm, hàng chục người kiên nhẫn xếp thành hàng dài chờ đợi để được đo nhiệt độ và rửa tay trước khi vào trại tị nạn.

Ông Gabriel Romero, người quản lý tại đây cho biết số người đăng ký ở trại tị nạn đã lên đến khoảng 5.500 người chỉ trong hai tháng đầu năm, trong khi chỉ có 3.000 người trong cả năm 2020.

Ông chia sẻ nhiều người không còn sợ hãi nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nữa bởi họ không muốn ngồi chờ bị thất nghiệp, chết đói hoặc chết vì bạo lực trên đất nước mình. “Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp nhân đạo”, ông Romero nói.

Nghèo đói, bão và sự cởi mở hơn về vấn đề nhập cư của chính quyền Biden

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nhập cư vào Mỹ gia tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, nổi bật là sự nghèo đói.

Những nền kinh tế vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức như El Salvador, Honduras, Nicaragua và Guatemala đang hứng chịu thêm sự tàn phá nặng nề từ Covid-19. Nhiều người di cư cho biết tại đất nước của họ, tìm việc chưa bao giờ là dễ dàng và mọi thứ càng khó khăn hơn trong thời kỳ khủng hoảng.

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng số người di cư tới Mỹ. Cuối năm 2020, các cơn bão cấp 4 liên tiếp đổ bộ vào Trung Mỹ và gây ra thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi. Bão Eta và Iota với sức gió và lượng mưa kỷ lục đã gần như xoá sổ toàn bộ các khu dân cư thiếu sự chuẩn bị.

Hàng chục nghìn người sau đó đã phải di dời. Không còn nơi nào khác để về, nhiều người dân đã quyết định đi đến phía bắc cùng với “giấc mơ Mỹ”.

Một lý do quan trọng khác là sự vắng mặt của ông Trump tại Nhà Trắng. Chính quyền mới của ông Biden đang nỗ lực đảo ngược nhiều chính sách nhập cư hạn chế do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, các quan chức Mỹ cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để đón nhận thêm nhiều người nhập cư.

Dẫu vậy, theo CNN, điều này không làm nản lòng bất kỳ người di cư nào mà họ phỏng vấn được tại biên giới. Họ đều tin rằng chính quyền của ông Biden sẽ mang cơ hội tốt hơn cho người nhập cư tại Mỹ và họ sẽ không chờ đợi cho đến khi đại dịch "dịu xuống".

Chuyến đi nguy hiểm nhất thế giới

Sau khi dừng chân nghỉ ngơi tại trại tị nạn La 72, Carlos và Wilfredo tiếp tục chuyến đi vào sáng sớm hôm sau. Hai anh em di chuyển dọc theo một đường ray xe lửa đã ngưng hoạt động, xuyên qua khu rừng rậm rạp. Đây được biết đến là nơi nguy hiểm đối với nhiều người di cư bởi thường xuyên xảy ra các vụ phạm tội và trấn lột.

Nguoi di cu anh 2
Người di cư đi bộ về phía bắc dọc theo đường ray xe lửa. Ảnh: CNN.

Theo báo cáo của Médecins Sans Frontières vào tháng 2/2020, gần 60% người di cư cho biết họ từng phải nếm trải bạo lực khi đi qua Mexico.

Ông Rubén Figueroa, nhà hoạt động cùng với nhóm vận động di cư Movimiento Migrante Mesoamericano cho biết cuộc hành trình của những di cư thường bị cản trở bởi các băng đảng và các nhóm tội phạm địa phương.

Họ thường bị những đối tượng này coi như món hàng. Các tội ác hành hung, tống tiền, tấn công tình dục, bắt cóc và giết người thường hay diễn ra tại đây.

Và chỉ sau vài giờ xuất phát, Carlos và Wilfredo kể lại họ đã bị 4 người đàn ông và một phụ nữ có vũ khí tấn công. Nhiều thành viên của nhóm di cư, bao gồm cả hai anh em, đã bị thương.

Carlos cho biết: “Chúng tôi đã tụt lại phía sau nhóm di cư một đoạn và khi đuổi kịp đoàn, chúng tôi thấy những tên cướp đang cầm súng bắn họ”. Những kẻ tấn công sau đó đã lấy đi số tiền ít ỏi của nhóm di cư và bỏ đi.

Nguoi di cu anh 3
Anh Carlos bị thương sau khi nhóm cướp tấn công. Ảnh: CNN.

Tuy đối mặt với những hiểm nguy có thể phải đánh đổi bằng tính mạng như vậy, anh Carlos nhấn mạnh rằng chuyến đi vẫn rất đáng giá. Sau tất cả họ sẽ đến được nước Mỹ và anh sẽ tìm được việc làm.

Dù vậy, Carlos chia sẻ thêm anh vẫn chưa biết làm thế nào để tìm được việc làm hay có bang nào sẽ chịu chấp nhận cho những người di cư như anh làm việc.

Tags:
Ông Trump tố Tổng thống Biden nhượng bộ Trung Quốc vì lợi riêng

Ông Trump tố Tổng thống Biden nhượng bộ Trung Quốc vì lợi riêng

Phát biểu tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC), cựu Tổng thống Donald Trump - dù không đưa ra bằng chứng - cáo buộc người kế nhiệm Joe Biden nhượng bộ chính quyền Trung Quốc để phục vụ lợi ích cá nhân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất