Vì sao cháy rừng là ‘chuyện thường ngày’ ở California?

Cháy rừng là chuyện mỗi năm xảy ra nhiều lần tại California, nhưng vụ cháy vừa qua ở các vùng thung lũng làm rượu chát miền Bắc tiểu bang là gây thiệt hại vật chất nặng nề và tổn thất nhân mạng nhiều bậc nhất từ trước đến nay.

23:30 17/10/2017

Một người lính cứu hỏa bất lực đứng nhìn đám cháy rừng ở Bắc california vào tuần qua. (Hình: Getty Images)

Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm, tuy nhiên mùa Thu (nhất là trong Tháng Mười và Mười Một) có những vụ cháy tàn hại nhất ở tiểu bang này. Đó là thời gian cây cỏ chết khô qua mùa Hè và gió mạnh tiếp sức cho ngọn lửa cháy.

Cháy rừng chỉ là cách quen gọi, thật ra hầu hết các khu vực xảy ra hỏa hoạn không hẳn là rừng cây mà là “chaparral” nghĩa là những đồng cỏ hoang với các lùm bụi thấp.

Ngoài những vùng rừng và sa mạc, hệ sinh thái tiêu biểu nhất tại California là “chaparral,” bao phủ khoảng gần 9% diện tích tiểu bang. Thảo mộc chính ở đây thuộc loại “scrub oak’ (cây sồi còi, thấp, thân gỗ nhiều cành nhưng không lớn) cùng những cây có lá cứng sống được với khí hậu khô, thường có chất dầu nên dễ cháy. Hỏa hoạn sẽ xảy ra một lần cách khoảng từ 10 đến 15 năm, đốt cháy cây cỏ ở “chaparral” để thay thế bằng những cây mới mọc lên sau mùa mưa.

Mùa Đông vừa qua, tiểu bang California nhận được một lượng kỷ lục nước mưa và tuyết sau vụ hạn hán kéo dài 4 năm. Kết quả là cây cỏ phát triển xum xuê ở “chaparral,” rồi chết khô trong mùa Hè khô ráo. Tháng Mười là thời gian cao điểm của cháy rừng khi mặt đất khô nhất và gió mạnh nhất. Loại gió Santa Ana ở miền Nam và tương tự là gió Diablo ở miền Bắc có vận tốc tới 40 dặm/giờ và những cơn gió giật lên tới hơn 70 dặm/giờ ngang với bão nhiệt đới và hurricane.

Gió Santa Ana xuất phát từ nội địa, thổi qua núi và đi xuống vùng duyên hải Nam California. Do tác động phối hợp của áp suất không khí, cao độ và địa thế nên đây là những trận gió mạnh, nóng, rất khô và góp sức cho trận bão lửa trong những vụ cháy rừng.

Mùa nào cũng có thể có gió Santa Ana nhưng điều kiện khí tượng thuận lợi nhất để tạo nên là vào mùa Thu. Lúc đó khối không khí lạnh trên khu vực Great Basin (Đại lưu vực) nằm giữa hai rặng núi Rocky và Sierra Nevada có áp suất cao trong khi vùng không khí ngoài duyên hải Thái Bình Dương có áp suất thấp. Như vậy không khí từ vùng cao áp chuyển đến vùng hạ áp, nhưng không phải đi theo đường thẳng mà lệch hướng về phía tay phải vì tác động của hiệu ứng Corriolis phát sinh do sự quay tròn của Trái Đất. Khi gặp núi cản trở, không khí di chuyển từ đại lưu vực ra biển cũng tìm con đường dễ dàng nhất là luồn qua các khe núi hay đèo như Soledad pass trên đường 14 (giữa rặng Sierra Nevada và San Bernardino Mountains), Cajon pass trên đường15 (giữa hai rặng núi San Gabriel và San Bernardino).

Đám mây khói từ những đám cháy trong vùng thung lũng Napa, khu vực sản xuất rượu chát nổi tiếng nhất của Mỹ. (Hình: Getty Images)

Cuối cùng gió Santa Ana đi tới duyên hải Nam California là gió hướng Đông-Bắc, chịu thêm tác động trên đường đi tạo thành những cơn gió giật rất mạnh. Từ đại lưu vực xuống tới miền duyên hải, cao độ giảm 4,000 feet làm nhiệt độ không khí tăng lên khoảng 20 độ F, đồng thời với ẩm độ giảm. Do ảnh hưởng của gió Santa Ana, nhiệt độ mùa Thu ở Nam California có thể cao hơn mùa Hạ và chúng ta thường thấy những ngày nóng nhất trong năm là vào Tháng Mười.

Có nhiều nguyên nhân phát sinh hỏa hoạn, có thể do người gây ra như ném tàn thuốc hút xuống cỏ khô hoặc một kẻ xấu vì lý do nào đó cố tình đốt lửa. Tuy nhiên các trường hợp này rất hiếm, và hầu hết nguyên nhân là từ thiên nhiên. Các tia sét đánh xuống rừng hay “chaparral” làm cháy cỏ là trường hợp thông thường nhất. Nhưng gió mới là thủ phạm quan trọng hơn hết của các vụ cháy rừng lớn. Gió mạnh làm dây điện đứt vì cây ngả hoặc trụ điện gẫy tạo nên chạm điện và cháy. Gió cũng đem không khí tới tiếp sức cho ngọn lửa cháy lớn và gió mạnh thổi các tàn lửa bay xa tới nửa dặm làm hỏa hoạn lan rộng nhanh chóng và tạo ra những đám cháy khác trong vòng ít phút, vượt khả năng kiềm chế của các đội cứu hỏa.

Tổn thất nhân mạng và tài sản vì trận hỏa hoạn xảy ra ở Bắc California tuần này quá lớn do xảy ra ở một khu vực dân cư đông đúc với nhà cửa nằm kế cận vùng rừng bụi cây cối rậm rạp và đường giao thông chật hẹp trở ngại cho sự di tản cũng như cấp cứu. Trong tương lai, cần phải gia tăng phòng ngừa tai họa tái diễn, bẳng nhiều phương cách thụ động nhưng hữu hiệu cho sự bảo vệ nhà cửa. Những phương cách ấy bao gồm: khai quang bớt cây cối, dọn dẹp cỏ khô và những vật dụng phế thải có thể cháy, thay mái nhà gỗ bằng ngói hay vật liệu không cháy, củng cố các cửa. Khi ngọn lửa lọt vào bên trong, căn nhà mau chóng bị thiêu rụi, vì vậy nên tăng cường thêm một lớp cho các cửa để chống bị vỡ vì sức nóng bên ngoài và như thế thêm thời gian cầm cự tới khi đội cứu hỏa can thiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, cháy là một tai họa nguy hiểm ở California hiện nay, và trong tương lai khó có hy vọng giảm bớt. Khí hậu Địa Cầu ấm dần là một lý do, nhưng ở đây không đề cập đến vấn đề ấy khi một số người ngoan cố vẫn phủ nhận các dữ kiện khoa học. Tác động do sinh hoạt của con người luôn luôn còn có nhiều ảnh hưởng trực tiếp khác ngay trên mặt đất. Chẳng hạn ở California, vụ cháy sẽ nhiều hơn vì các “chaparral” phát triển thêm, do chăn nuôi giảm bớt. Chăn nuôi bò trên đồng cỏ theo lối cổ điển không là một ngành mang lại nhiều lợi nhuận và các chủ trại sẵn sàng bán lại đất cho các nhà trồng nho. Trong lúc chờ đợi, các cánh đồng không còn bò gặm cỏ trở thành đất hoang và những lùm bụi mọc lên. Vào mùa khô, lùm bụi trở thành nhiên liệu dễ cháy hơn là cỏ.

Cuối cùng thì nên hiểu cháy rừng là một diễn biến bình thường trong quá trình tái sinh của thiên nhiên và con người không thể ngăn cản, chỉ có thể tìm những phương cách giảm thiểu tác hại đến mình.

(Hà Tường Cát)

Tags:
Hậu quả nếu Mỹ tăng gấp 10 lần kho vũ khí hạt nhân

Hậu quả nếu Mỹ tăng gấp 10 lần kho vũ khí hạt nhân

Nếu tăng cường kho vũ khí hạt nhân, Mỹ có thể khơi mào một cuộc đua vũ trang có nguy cơ đẩy thế giới vào bờ vực hủy diệt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất