Vì sao Donald Trump trút giận, đổ lỗi cho Facebook

Dân Mỹ cả tin Facebook như lâu này họ tin cậy báo chi, trong khi Mark Zuckerberg chưa tìm ra cách chặn thông tin giả.

09:30 02/10/2017

Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về những ảnh hưởng của Facebook đến nước Mỹ.

Cuộc bầu cử ở Mỹ đã qua đi nhưng dư âm của nó thì vẫn chấn động cả lẫn thế giới. Cụ thể là rất nhiều người hiện giờ đang lo lắng, bâng khuâng khi họ nghĩ rằng Trump sắp sửa gây ra chiến tranh.

Ở Mỹ, người ta còn giận dữ vì sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Nga đã tung tin giả, dựng chuyện nói xấu bà Clinton. Họ còn tạo ra các tài khoản giả ủng hộ ông Bernie Sanders và sau đó là bà Jill Stein, nhằm lôi kéo những cử tri có thể bầu cho bà Clinton. Nói tóm lại là các tài khoản này làm đủ cách để triệt hạ bà Clinton và gây chia rẽ trong xã hội Mỹ.

Tất nhiên là Nga chối phăng, nhận chuyện này vào người thì cứ gọi là ê mặt. Người Mỹ thì họ bị buộc phải tin, bởi vì đây là kết luận của các cơ quan tình báo và điều tra của Mỹ - nếu họ không tin các cơ quan này thì họ tin ai?

Các mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho chiến thuật này. Các phương tiện truyền thông khác đều phải xét duyệt nội dung cẩn thận, chứ không thể tham gia tung tin thất thiệt. Facebook hay Twitter thì không, ai cũng có thể đăng lên trang cá nhân, rồi ai cũng có thể mua quảng cáo với giá rất rẻ. Các mạng này lại không có hệ thống hữu hiệu để kiểm soát nội dung.

Facebook vì vậy đã lọt vào tầm ngắm của các cơ quan điều tra Mỹ. Dưới sức ép của quốc hội, Facebook đã phải đưa ra các tài khoản có liên quan tới Nga. Trump thì như mọi khi, xông vào thoá mạ Facebook, như những gì ông đã làm với bất kỳ hãng truyền thông nào dám mở miệng đưa tin xấu về ông. Lần này thì chắc là vì Facebook sắp đưa ra những thông tin bất lợi cho ông.

Mark Zuckerberg thì viết thư giãi bày tâm sự. Anh nói rằng Facebook đã cố gắng hết sức để kêu gọi mọi người đi bầu cử, rằng các quảng cáo mà Nga mua được chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền mà hai đảng đổ vào cuộc bầu cử. Những điều này đúng nhưng nó không thể giải thích vì sao mà số lượng thông tin giả nhằm vào bà Clinton lại nhiều kinh khủng, và toàn là những tin tức khiến người ta phát ốm nếu nó là có thật.

Ở trên Facebook trong suốt mùa bầu cử, có một số mẩu tin bịa đặt về bà Clinton như: bà Clinton từng bảo vệ cho một tên hiếp dâm trẻ em rồi lại cười cợt về chuyện đấy, bà Clinton nhận tiền từ thiện quyên cho thiên tai ở Haiti nhưng rồi biển thủ hết, bà Clinton ra lệnh không cho tăng cường an ninh ở Benghazi, khiến đại sứ Mỹ bị chết, bà Clinton bị đuổi việc khi tham gia điều tra vụ bê bối liên quan tới Nixon...

Rồi thậm chí có thông tin là ông bà Obama đều bị tước bằng hành nghề luật sư, rằng ông Clinton bị buộc tội hiếp dâm, rằng bà Clinton cũng bị tước bằng luật sư. Ở Mỹ bị tước bằng luật sư tức là đã phạm tội hình sự hay tội đạo đức nghề nghiệp. Những chuyện này tất nhiên là không có, nhưng vì sao số tin tức này lại tràn lan trên Facebook trong khi những tin tức bịa đặt về Trump thì không có. Các tin tức xấu về Trump là những chuyện các hãng truyền thông chính thống nói - bởi vì nó có thực.

Điều nói lên một điều mà nhiều nước khác đã cảm nhận nhưng giờ Mỹ mới biết: tin tức trên Facebook có thể ảnh hưởng tới cả xã hội. Đó là vì người Mỹ đã quen lôi mọi chuyện ra nói. Các hãng truyền thông chuyện xấu xa gì họ cũng lôi ra, nhưng họ có đạo đức nghề nghiệp nên họ không cố ý tung tin giả. Người dân Mỹ cũng quen với chuyện này nên những mẩu tin tức trên Facebook họ cũng tin. Mặt khác, trên thế giới này ít ai lại dám nhúng tay vào chuyện của Mỹ. Chuyện Nga tham gia tung tin trong cuộc bầu cử này là lần đầu tiên mà Mỹ phát hiện.

Chủ trương của Facebook là tạo điều kiện cho mọi người nói mọi điều, ngoại trừ những nội dung khiêu dâm và bạo lực. Tuy vậy những rào cản mà họ dựng ra không mấy hiệu quả. Còn các nội dung chính trị và các tin tức giả mạo thì họ chịu, chưa nói tới các nội dung bị bóp méo.

Cả hai chính đảng ở Mỹ đều cực kỳ giận dữ về chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Chỉ có Trump là không công khai chỉ trích Nga, nhưng đó là chuyện của cá nhân ông. Lần này bà Clinton bị "lên thớt", lần sau không biết ai sẽ lên, còn hiện tại thì các vụ việc gây chia rẽ ở Mỹ càng bị quấy rối thêm nhờ vào những tài khoản giả làm chuyện "thêm mắm dặm muối".

Bây giờ, họ còn dùng các tài khoản giả làm các nhà hoạt động vì nhân quyền, đưa lên mạng các đoạn video cảnh cảnh sát tấn công người da màu. Các nhà nghiên cứu chính trị ở Mỹ nói rằng việc này nhằm thổi bùng sự giận dữ của cộng đồng gốc Phi, khiến cho Mỹ càng thêm chia rẽ.

Chỉ riêng việc Trump bây giờ ngồi ở trong Nhà Trắng cũng đã là thắng lợi của Nga. Từ ngày Trump lên, Nga được đủ thứ lợi ích trong khi Mỹ trở nên giống như một tên hề. Ngay cả Trung Quốc cũng khổ lây: sự bốc đồng và hiếu chiến của Trump khiến tình hình Triều Tiên cực kỳ căng thẳng.

Chiến thắng của Trump gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và cho cả đảng Cộng Hoà. Facebook cũng như Twitter vì vậy trở thành chỗ cho chính quyền Mỹ trút giận. Nói chung là những lỗ hổng lớn trong nguyên tắc hoạt động của mạng xã hội đã gây nên những hậu quả như hôm nay.

Làm sao để ngăn chặn những chuyện như vầy thì không ai biết. Facebook có một vai trò quá lớn trong đời sống của rất nhiều người, nhưng làm cách nào để chặn các nội dung sai sự thật thì không ai biết. Facebook cũng đưa ra giải pháp, như là các biện pháp kiểm tra sự chính xác của thông tin. Làm việc này với cả tỷ tài khoản - tức là cả tỷ cái miệng - thì gần như không tưởng.

Tags:
Blogger Mỹ viết về cơn sốt trà sữa ở Việt Nam

Blogger Mỹ viết về cơn sốt trà sữa ở Việt Nam

Tháng 5, trên đường Nguyễn Huệ, một cửa hàng trà sữa mới được mở, nằm cạnh hàng chục cửa hàng khác vốn đã kinh doanh ổn định tại đây cả tháng trước đó. Vậy nhưng, dòng người vui vẻ xếp hàng chờ phút giây khai trương vẫn dài hàng chục mét.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất