Vì sao giấy vệ sinh 'cháy hàng' dù không ai chết vì thiếu nó?

Theo các nhà tâm lý học, có nhiều nguyên nhân như sự phản ứng thái quá, nỗi sợ hãi dây chuyền hoặc cảm giác muốn được an tâm khiến mọi người có xu hướng mua giấy vệ sinh tích trữ.

07:00 16/03/2020

Đầu tiên là khẩu trang, sau đó là nước rửa tay. Bây giờ thì người người hoảng loạn giành giật... giấy vệ sinh? 

Các nhà bán lẻ ở Mỹ và Canada phải giới hạn số lượng giấy vệ sinh mà mỗi người có thể mua. Một số siêu thị ở Anh cháy hàng. Các cửa hàng tạp hóa ở Australia còn phải thuê cả nhân viên bảo vệ để trông chừng khách đến mua. Một tờ báo của Australia thậm chí còn in thêm 8 trang trong mỗi ấn phẩm, gọi đây là "giấy vệ sinh khẩn cấp" phòng trừ trường hợp quốc gia này cháy hàng. 

Kệ giấy vệ sinh cháy hàng tại một siêu thị ở Australia. 

Kệ giấy vệ sinh cháy hàng tại một siêu thị ở Australia. 

Giấy vệ sinh rõ ràng không có tác dụng ngăn chặn virus. Nó cũng không được xem là nhu yếu phẩm trong trường hợp khẩn cấp như sữa và bánh mì. Vậy tại sao mọi người lại đổ xô đi mua giấy vệ sinh? Dưới đây là 5 lý do theo CNN:

1. Mọi người phản ứng thái quá khi nghe thông tin trái chiều

Steven Taylor, giáo sư, nhà tâm lý học kiêm tác giả cuốn sách "The Psychology of Pandemics", có một cái nhìn lịch sử chung về cách mọi người cư xử giữa đại dịch. So sánh với những đại dịch trong quá khứ, cách con người ứng phó với đại dịch thường là những cơn hoảng loạn lan rộng.

"Một mặt, phản ứng này có thể hiểu được, nhưng mặt khác nó có phần thái quá. Chúng ta có thể chuẩn bị tâm lý mà không cần phải hoảng sợ", ông Taylor cho biết. Theo ông, Covid-19 khiến mọi người sợ hãi vì đây là loại virus mới xuất hiện, có nhiều điều mà chúng ta chưa biết về nó. Chính vì vậy, người ta thường có phản ứng cực đoan khi nghe thấy những thông tin trái chiều về rủi ro hay mức độ nghiêm trọng mà Covid-19 gây ra.

"Khi được thông báo điều gì đó nguy hiểm đang đến mà tất cả những gì bạn cần làm chỉ là rửa tay, hành động có vẻ không tương xứng với mối đe dọa. Vì vậy, người ta sẽ nghĩ một mối nguy hiểm đặc biệt phải cần một biện pháp phòng ngừa đặc biệt", Steven Taylor chia sẻ. 

2. Thiếu cam kết rõ ràng từ chính phủ

Một số quốc gia đã áp đặt lệnh cách ly diện rộng. Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon cho biết, những người mua giấy vệ sinh và các đồ dùng gia đình khác có thể đang chuẩn bị cho lệnh phong tỏa tương tự trong thành phố của họ.

"Trừ khi người dân được nghe một lời cam kết rằng mọi người sẽ được chăm lo đầy đủ, họ vẫn sẽ đoán già đoán non việc cần thêm giấy vệ sinh, dù sớm hay muộn", Baruch Fischhoff nói với CNN. "Thực tế là việc không có cam kết rõ ràng làm gia tăng thêm khả năng phỏng đoán này".

3. Hiệu ứng mua sắm hoảng loạn dây chuyền

Hình ảnh kệ hàng trống rỗng, xe đẩy chất đầy đồ dùng và nhu yếu phẩm tràn lan trên mạng xã hội... dẫn tới tâm lý đám đông, khiến mọi người cho rằng mặt hàng này phải có lý do gì đó người ta mới tích trữ. 

"Con người là những sinh vật xã hội, chúng ta nhìn xung quanh để nhận biết tín hiệu đâu là an toàn, đâu là nguy hiểm. Khi bạn nhìn thấy ai đó mua sắm trong hoảng loạn, điều đó có thể tạo ra hiệu ứng hoảng loạn dây chuyền", giáo sư Steven Taylor nhấn mạnh.

Một kệ hàng trống rống ở siêu thị tại Ohio (Mỹ).

Một kệ hàng trống rống ở siêu thị tại Ohio (Mỹ).

Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc khuếch đại sự hoảng sợ giữa đại dịch, giáo sư Taylor nhấn mạnh. Những hình ảnh kệ hàng giấy vệ sinh trống rỗng khiến mọi người tin rằng họ cũng phải lao ra siêu thị mua giấy vệ sinh. Điều này dẫn tới việc khan hiếm giấy vệ sinh trong nhận thức của mỗi người trở thành sự khan hiếm thật sự ngoài đời.

4. Tâm lý tự nhiên khi muốn chuẩn bị dư ra

Có một số ý nghĩa của việc dự trữ, theo Frank Farley, giáo sư tại Đại học Temple và cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và các cơ quan y tế quốc tế khác đang khuyên người dân nên ở nhà và tránh tiếp xúc đám đông. Việc chuẩn bị quá mức là tâm lý tự nhiên của mọi người, ông Farley nói.

"Covid-19 đang gây ra một loại tâm lý sinh tồn, khi mà chúng ta phải ở trong nhà nhiều nhất có thể và do đó phải tích trữ đồ dùng, trong đó chắc chắn bao gồm giấy vệ sinh. Nếu hết giấy vệ sinh, chúng ta biết thay thế nó bằng gì bây giờ?", Frank Farley nói với CNN.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ khuyến nghị người dân nên dự trữ thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và vật tư y tế ít nhất cho hai tuần. Tuy nhiên ông Steven Taylor cho biết hầu hết mọi người không chỉ làm như vậy. Nhận được khuyến cáo, họ đẩy nó đến mức cực đoan.

5. Cảm giác kiểm soát được tình hình 

Vì sao giấy vệ sinh cháy hàng dù không ai chết vì thiếu nó? - 2Vì sao giấy vệ sinh cháy hàng dù không ai chết vì thiếu nó? - 3

Những người mua sắm hoảng loạn thường nghĩ cho bản thân và gia đình, về việc cần chuẩn bị cái gì, giáo sư Steven Taylor nhận định. Họ không nghĩ đến nhân viên y tế, bệnh nhân hay những người... đã dùng hết giấy vệ sinh ở nhà. "Tất cả vì làn sóng hoảng sợ này, mọi người trở nên lo lắng thái quá trước khi họ bị nhiễm bệnh thực sự. Họ không nghĩ đến bức tranh toàn cảnh hay hậu quả của việc tích trữ giấy vệ sinh là gì".

Việc mua sẵn một lượng giấy vệ sinh nhất định giúp con người có được cảm giác kiểm soát đối với một tình huống bất lực, theo nhà tâm lý học Baruch Fischhoff. "Nếu nó mang lại cho mọi người cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ có thể, thì người ta có thể giải thoát khỏi nỗi sợ để nghĩ về những thứ khác thay vì mải nghĩ đến virus corona".

Hoàng Hà (theo CNN)

Link nguồn: https://ione.net/tin-tuc/nhip-song/vi-sao-giay-ve-sinh-chay-hang-du-khong-ai-chet-vi-thieu-no-4069374.html

Tags:
New York ghi nhận ca tử vong đầu tiên, Mỹ có hơn 2.200 ca mắc COVID-19

New York ghi nhận ca tử vong đầu tiên, Mỹ có hơn 2.200 ca mắc COVID-19

Một cụ bà 82 tuổi, trước đó đã có tiền sử bệnh khí phế thũng, đã tử vong tại bệnh viện quận Manhattan do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất