Vì sao ông Trump gửi gắm hy vọng vào 'đại cử tri dự khuyết'?

Phe Cộng hoà tập hợp các “đại cử tri dự khuyết” nhằm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nỗ lực này cũng sẽ không tạo ra tác động đáng kể nào.

23:30 16/12/2020

Hôm 14/12, đại cử tri trên khắp nước Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống tiếp theo. Với 306 trên tổng số 538 phiếu, ông Joe Biden được các đại cử tri xác nhận sẽ là ông chủ Nhà Trắng thứ 46.

Tuy nhiên, kết quả này không khiến ông Trump và đồng minh chùn bước.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, Cố vấn Cao cấp Nhà Trắng Stephen Miller cho biết đảng Cộng hòa ở từng bang đã tập hợp nhóm các “đại cử tri dự khuyết” để bầu cho tổng thống đương nhiệm.

“Trong lúc chúng ta nói chuyện, một nhóm đại cử tri dự khuyết của các bang tranh chấp đã bỏ phiếu. Chúng tôi sẽ gửi kết quả này lên quốc hội. Điều đó đảm bảo cuộc chiến pháp lý của chúng tôi vẫn tiếp tục”, ông Miller tuyên bố.

Tại 5 bang chiến trường là Georgia, Pennsylvania, Wisconsin, Nevada và Michigan, nhóm đại cử tri dự khuyết của đảng Cộng hòa đã gặp và bỏ phiếu cho ông Trump.

Dai cu tri du khuyet la ai anh 1

Stephen Miller, cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, nói phe Cộng hòa ở một số bang sẽ chọn ra nhóm đại cử tri dự khuyết. Tuy nhiên, phiếu bầu của nhóm này là vô giá trị về mặt luật pháp. Ảnh: NYT.

Đại cử tri dự khuyết là ai?

Đại cử tri dự khuyết là những người thuộc đảng đối lập với đảng của ứng viên được tuyên chiến thắng tại một bang. Luật pháp Mỹ không cấm việc các đại cử tri dự khuyết hội họp và gửi kết quả bỏ phiếu của họ lên quốc hội.

Tuy nhiên, lá phiếu của nhóm này có giá trị hay không lại là câu chuyện khác.

Lịch sử Mỹ từng ghi nhận một số lần ít ỏi đại cử tri dự khuyết hội họp và gửi kết quả lên quốc hội, theo Vox.

Trong cuộc bầu cử năm 1876, ứng viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tuyên bố chiến thắng tại các bang Florida, Louisiana và South Carolina. Mỗi phe đều tự chỉ định đại cử tri của đảng mình.

Giai đoạn đó, dấu hiệu của gian lận bầu cử là rõ ràng. Điển hình là tại bang South Carolina, nơi ghi nhận đến 101% tổng số cử tri hợp lệ đi bầu.

Trường hợp đại cử tri dự khuyết cũng xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1960, giữa ứng viên Dân chủ John F. Kennedy và ứng viên Cộng hòa Richard Nixon.

Khi đó, kết quả kiểm phiếu ban đầu tại bang Hawaii cho thấy ông Nixon chiến thắng với cách biệt khoảng 100 phiếu. Thống đốc bang này, một người của đảng Cộng hòa, chứng nhận cho nhóm đại cử tri của đảng mình.

Tuy nhiên, các đại cử tri Dân chủ cũng nhóm họp. Họ tin ông Kennedy sẽ chiến thắng khi có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Và họ đã đúng, khi kết quả chính thức cho thấy ông Kennedy hơn ông Nixon 115 phiếu.

Đến lúc Quốc hội Mỹ xem xét phải chọn lựa nhóm đại cử tri nào, họ chọn nhóm của đảng Dân chủ. Chính ông Nixon, khi ấy đang là phó tổng thống kiêm chủ tọa cuộc họp lưỡng viện, đưa ra quyết định này.

Trường hợp năm 1960 được các đại cử tri dự khuyết của bang Pennsylvania năm nay viện dẫn. Trong thông cáo ngày 14/12, nhóm này tuyên bố họ chỉ đang lặp lại những gì đảng Dân chủ từng tiến hành ở Hawaii cách đây 40 năm, theo Vox.

“Đây không phải là nỗ lực nhằm chiếm đoạt hay tranh giành ý nguyện của cử tri Pennsylvania”, ông Bernie Comfort - chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump tại bang này - cho biết.

Theo ông Miller, nhóm đại cử tri dự khuyết có thể trở thành chính thức thông qua 3 con đường chính.

Cách đầu tiên là tòa án cần gửi kết quả của nhóm này đến quốc hội. Điều này khó có thể xảy ra, do các tòa án - từ cấp tiểu bang đến liên bang, thậm chí cả Tòa án Tối cao - đều bác bỏ đơn kiện của phe ông Trump.

Với cách thứ hai, cơ quan lập pháp ở những bang chiến trường - vốn do phe Cộng hòa kiểm soát - cần vô hiệu hóa nhóm đại cử tri của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa trong các quốc hội tiểu bang từ chối đề nghị này của phe ông Trump, nói họ không có thẩm quyền làm vậy dựa theo luật sở tại.

Ở cách cuối cùng, ông Miller nói họ sẽ gửi thẳng kết quả bỏ phiếu của đại cử tri dự khuyết lên quốc hội liên bang, để cơ quan này “đưa ra quyết định đúng đắn”.

Đại cử tri dự khuyết không thể thay đổi kết quả bầu cử

Vào ngày 6/1, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ họp để xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri. Ở cả Thượng viện và Hạ viện, khả năng phiếu bầu của nhóm cử tri dự khuyết được chấp nhận gần như không có.

Đảng Dân chủ đang chiếm đa số ở Hạ viện, nên chuyện họ phản đối và thay đổi chiến thắng của ông Biden sẽ không xảy ra.

Dai cu tri du khuyet la ai anh 2

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, nhân vật quyền lực nhất của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, phát biểu thừa nhận chiến thắng của ông Biden. Ảnh: AP.

Tình hình cũng sẽ tương tự ở Thượng viện, mặc dù thế đa số thuộc về đảng Cộng hòa. Nhiều gương mặt mấu chốt của đảng này đã công nhận chiến thắng của ông Biden.

Khả năng quốc hội liên bang tranh chấp trong việc công nhận nhóm đại cử tri nào cũng khó xảy ra trong năm nay.

Theo luật liên bang, nếu tranh chấp phát sinh thì nhóm đại cử tri nào được thống đốc bang chứng thực sẽ được quốc hội công nhận. Trước ngày 14/12, thống đốc các bang chiến trường đều xác nhận danh sách đại cử tri của đảng Dân chủ.

Mục tiêu của ông Trump là gì?

Dù dự đoán khả năng thay đổi kết quả bầu cử gần như bằng không, ông Trump và các đồng minh vẫn tiếp tục các nỗ lực pháp lý. Và việc chọn nhóm đại cử tri dự khuyết chỉ là một trong những bước đi mới nhất của kế hoạch này.

Theo hãng tin AP, ông Trump vẫn tiếp tục sử dụng cơ chế bầu cử phức tạp của nước Mỹ để khiến phần đông cử tri Cộng hòa tin rằng chiến thắng bị cướp khỏi tay mình.

Bên cạnh đó, ông còn kêu gọi được hàng triệu USD từ những người ủng hộ. Và dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào phe ông Trump mặc cho những thất bại liên tiếp.

Tags:
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ chức, để lại bức thư không ngớt lời ca ngợi Tổng thống Trump

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ chức, để lại bức thư không ngớt lời ca ngợi Tổng thống Trump

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr từ chức hôm 14/12 (giờ Mỹ), nói rằng ông sẽ rời Bộ Tư pháp vào tuần tới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất