VÌ SAO ÔNG TRUMP LẶNG IM?

Ba tuần kể từ khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Trump một mực im lặng trước công chúng và từ chối ra điều trần tại phiên tòa luận tội ông ở Thượng viện.

09:30 11/02/2021

Tuần trước, khi phiên luận tội chưa diễn ra, các công tố viên đại diện cho Hạ viện đề nghị cựu Tổng thống Donald Trump xuất hiện trước Thượng viện để cung cấp lời khai.

Tuy nhiên, cố vấn cấp cao của ông Trump nói cựu tổng thống sẽ không xuất hiện trước phiên tòa mà đa phe Cộng hoa cáo buộc là vi hiến.

Phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump đã khởi động hôm 9/2 tại Thượng viện. Nhiều nghị sĩ Dân chủ cho rằng việc ông Trump giữ im lặng và vắng mặt trong thủ tục luận tội có thể sẽ lợi bất cập hại cho cựu tổng thống, theo NBC News.

Hiến pháp Mỹ nói gì?

Hiến pháp Mỹ ra đời năm 1788 trao cho cả Thượng viện và Hạ viện thẩm quyền phát đi trát đòi hầu tòa, buộc một cá nhân ra làm chứng để phục vụ "mục đích lập pháp hợp lệ".

Cũng theo hiến pháp, thủ tục luận tội tổng thống chỉ thuộc thẩm quyền của quốc hội. Vì thế, việc triệu tập nhân chứng phục vụ phiên tòa đang diễn ra ở Thượng viện nhiều khả năng được coi là một "mục đích lập pháp hợp lệ".

Khi một trong hai viện quốc hội ban ra trát đòi hầu tòa, cơ quan này vẫn phải tìm cách thực thi yêu cầu của mình đối với người không còn là quan chức chính quyền. Từ sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc hôm 20/1, ông Trump trở thành một công dân Mỹ bình thường.

luan toi ong trump anh 2
Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, người đứng đầu nhóm công tố của Hạ viện, trình bày lập luận trước Thượng viện hôm 9/2. Ảnh: AP.

Dù quy định là vậy, việc thực thi lại không hề đơn giản, đặc biệt khi yêu cầu một người tự cung cấp lời khai để buộc tội chính mình. Bởi Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ quy định một cá nhân sẽ không thể bị buộc phải cung cấp lời khai chống lại bản thân.

Vì lẽ đó, lưỡng viện thường phải đạt được thỏa thuận với người bị triệu tập, để người này đồng ý cung cấp lời khai hoặc tài liệu cần thiết phục vụ phiên tòa.

Hiện nay, Hạ viện chưa đưa ra trát đòi ông Trump hầu tòa. Cơ quan này đề nghị ông Trump tình nguyện xuất hiện, làm chứng phục vụ phiên tòa.

Cựu Tổng thống Trump cũng chưa viện dẫn Tu chính án thứ 5 để chống lại yêu cầu của Hạ viện, bởi lưỡng viện chưa chính thức yêu cầu ông xuất hiện để làm chứng.

Nếu phe Dân chủ thực sự muốn "chiến đấu" với cựu tổng thống, họ sẽ phải thúc đẩy một trong hai viện đưa ra trát đòi ông Trump hầu tòa. Trong tình huống ấy, ông Trump sẽ phải cân nhắc có kích hoạt tu chính án thứ 5 hay không, theo Bloomberg.

Chiến thuật im lặng của ông Trump

Khi các công tố viên bắt đầu trình bày lập luận trước Thượng viện, để khẳng định thủ tục luận tội cựu tổng thống phù hợp với hiến pháp, ông Trump vẫn tiếp tục im lặng theo dõi diễn biến từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.

Việc ông Trump hầu như yên ắng từ sau khi rời Nhà Trắng hôm 20/1 được cho là một chiến thuật của cựu tổng thống.

Một cựu trợ lý cho rằng ông Trump đang cố gắng thể hiện sự thờ ơ với thế cuộc khi dành phần lớn thời gian để chơi golf.

Thông điệp của cựu tổng thống là ông không quan tâm tới phiên luận tội mà phe Cộng hòa cáo buộc "vi hiến".

Thủ tục luận tội vi hiến là một trong các lập luận được nhóm pháp lý của cựu tổng thống sử dụng trước tòa.

Một lập luận bào chữa khác được khai thác là ông Trump không kích động vụ nổi loạn, phát ngôn của ông hôm 6/1 được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ 1 của hiến pháp.

luan toi ong trump anh 3
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Khác với phiên luận tội năm 2019, tài khoản Twitter với gần 90 triệu người theo dõi, được miêu tả là chiếc loa phóng thanh của ông Trump, hiện đã bị khóa.

Giờ đây, thay vì trực tiếp đả kích phiên luận tội, ông Trump có đội ngũ đồng minh hùng hậu lên tiếng thay.

"Thử tưởng tượng có một phiên tòa nơi thẩm phán trước đó đã bỏ phiếu kết tội bị đơn? Đó là điều xảy ra ở các nước 'cộng hòa chuối' (chỉ những quốc gia có nền chính trị bất ổn), và giờ là Thượng viện Mỹ. Thật đáng buồn", tài khoản Twitter của ủy ban hành động chính trị Save America viết, kèm ảnh của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - người chủ trì phiên tòa luận tội ông Trump.

Văn phòng của cựu Tổng thống Trump cáo buộc phiên tòa luận tội lần hai là "đòn trả thù chính trị", đồng thời tái khẳng định ông Trump sẽ không cung cấp lời khai hay tham gia "phiên điều trần giả dối vi hiến".

"Đây quả là thứ văn hóa độc hại ở mức độ hiến pháp", Văn phòng cựu tổng thống ra thông báo.

Khi Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, người đứng đầu nhóm công tố của Hạ viện, trình bày lập luận cho rằng việc luận tội cựu tổng thống là hợp hiến, cố vấn của ông Trump là Jason Miller viết trên Twitter rằng "nếu sử dụng lập luận của công tố viên phe Dân chủ, Hạ viện Mỹ thậm chí có thể luận tội George Washington".

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Jordan, một đồng minh thân thiết của ông Trump, cho rằng phe Dân chủ quyết luận tội cựu tổng thống bởi không muốn phải đối mặt với ông trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

"Tôi nghĩ ông ấy sẽ chiến thắng một lần nữa vào năm 2024. Tôi tin đó là điều tốt lành cho đất nước", Hạ nghị sĩ Jordan nói.

Tùy thuộc vào các thượng nghị sĩ

Nếu Hạ viện hoặc Thượng viện phát đi trát triệu tập ông Trump tới phiên tòa, cựu tổng thống có quyền kích hoạt Tu chính án thứ 5 để từ chối xuất hiện trước quốc hội.

Trong quá khứ, việc kích hoạt tu chính án thứ 5 không phải là chưa có tiền lệ.

Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, người đứng đầu nhóm công tố của Hạ viện, cảnh báo việc cựu Tổng thống Trump né tránh phiên tòa sẽ chỉ càng khiến ông gặp bất lợi.

"Nếu ông từ chối lời mời, chúng tôi bảo lưu mọi quyền, trong đó có quyền trình bày trước tòa rằng việc ông từ chối cung cấp lời khai chỉ càng củng cố thêm suy luận bất lợi về hành động của ông trong ngày 6/1/2021", ông Raskin nói, theo NBC News.

Tại các phiên tòa thuộc nhánh tư pháp, không có hình phạt nào áp dụng với người sử dụng Tu chính án thứ 5 để từ chối cung cấp lời khai chống lại bản thân trong một vụ án hình sự.

Thêm vào đó, các thẩm phán hay công tố viên bị cấm nhận xét hay suy đoán dựa trên hành vi sử dụng quyền theo Tu chính án thứ 5.

luan toi ong trump anh 4
Các thượng nghị sĩ có thể dựa vào sự im lặng của ông trump để cân nhắc quyết định của mình. Ảnh: WSJ.

Nhưng quy định cấm này không áp dụng với các vụ án được xét xử ở tòa dân sự. Tu chính án thứ 5 không cấm các thẩm phán suy luận bất lợi đối với một cá nhân, dựa trên việc người này từ chối cung cấp lời khai chống lại bản thân.

Thượng viện không phải một tòa án hình sự. Phiên luận tội cựu Tổng thống Trump hiện nay khó có thể được coi là một vụ án hình sự.

Trong phiên tòa luận tội đang diễn ra hiện nay, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy sẽ không có nghĩa vụ cấm các công tố viên của Hạ viện bình luận về "sự im lặng của ông Trump", theo Bloomberg.

Các thượng nghị sĩ, trong vai trò cầm cân nảy mực, cũng không chịu sự ràng buộc nào và có thể cân nhắc tình tiết cựu Tổng thống Trump từ chối cung cấp lời khai.

Khác với bồi thẩm đoàn trong phiên tòa tư pháp có nghĩa vụ duy trì tính trung lập, các thượng nghị sĩ được cử tri lựa chọn bởi quan điểm chính trị đảng phái cá nhân của họ.

Vì thế, các thượng nghị sĩ sẽ đánh giá sự im lặng của ông Trump theo bất cứ góc độ nào họ muốn, trong đó chắc chắn có góc độ bất lợi cho cựu tổng thống.

Tags:
Chuyên gia liệt kê 75 ‘lời nói dối’ trong bản luận tội ông Trump dài 77 trang

Chuyên gia liệt kê 75 ‘lời nói dối’ trong bản luận tội ông Trump dài 77 trang

Jeffrey Lord là một biên tập viên đóng góp cho tờ The American Spectator, ông cũng từng là cựu trợ lý của Tổng thống Ronald Reagan và Jack Kemp. Lord cũng là một tác giả, cựu bình luận viên CNN và là người ủng hộ Trump trung thành. Hôm thứ Ba (9/2 theo giờ Mỹ), ông đã liệt kê nhiều lời nói dối trong phiên tòa luận tội ông Trump của Đảng Dân chủ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất