“Vì sao tư chất người Việt lại chỉ được thắp sáng khi ở nước ngoài?”

"Khi ở Việt Nam, tôi bị đánh giá là một học sinh trung bình yếu, nhưng khi qua Đức tôi không đến nỗi nào. Và không chỉ tôi, nhiều người Việt khi ra ngoài cũng như vậy. Vì sao tư chất của người Việt lại chỉ được thắp sáng khi ở nước ngoài? Tôi luôn trăn trở vì câu hỏi này".

09:44 12/08/2023

Dấu nặng lòng về mục tiêu, triết lý giáo dục trong việc tạo nên mẫu hình công dân mới được TS Nguyễn Vân Nam đặt ra tại tọa đàm "Công dân thế kỷ 21 - Anh là ai?" diễn ra tại TPHCM chiều ngày 16/11.

“Vì sao tư chất  lại chỉ được thắp sáng khi ở nước ngoài?” - 1 

Sự kiện được tổ chức với sự tham gia của 3 diễn giả từng học tập ở các nước khác nhau và đều về "tắm ao ta" và cùng mang nỗi nặng lòng, suy tư về giáo dục nước nhà. Tọa đàm đặt ra mẫu hình công dân 21 cùng với câu hỏi triết lý giáo dục nào của Việt Nam có thể tạo nên người công dân đó.

Triết lý giáo dục: Đó là vấn đề con người!

TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ, triết lý giáo dục không thể không đặt ra về vấn đề con người. Mà với ông, công dân thế kỷ 21 phải là con người tự do, phải có ý chí khi đặt trong 3 mối tương quan: Tự do với vật - ông đang thấy rõ nhiều người đang trở thành nô lệ của vật chất, của công nghệ. Tự do trong mối tương quan giữa người và người. Và cuối cùng là phải tự do với chính mình - không ít người tạo ra tù ngục cho chính mình.

TS Nguyễn Vân Nam
TS Nguyễn Vân Nam 

GS. TS Nguyễn Vân Nam kể khi ông học Việt Nam, kể khi qua Đức học, ông đã trăn trở với câu hỏi vì sao nước Đức là một trong những nước nghèo nhất thế giới sau thảm bại trong Chiến tranh Thế giới 2, cả Nhật cũng vậy nhưng họ quật khởi rất nhanh, xây dựng quốc gia thịnh vượng rất nhanh chóng. Và rồi ông tìm được câu hỏi đó từ chính mình.

"Tôi qua Đức học và tôi không tốn một đồng nào, nhà nước tập trung đào tạo cho học hết trường này đến trường khác, làm hết Thạc sĩ đến Tiến sĩ rồi trở thành Giáo sư. Rồi sau đó, tôi trở về Việt Nam sống, làm việc và không ai thắc mắc về điều đó. Khác biệt với mình là họ có nội lực và biết khơi dậy nội lực trong mỗi người công dân", TS Nam chia sẻ.

TS Nguyễn Vân Nam hướng nhìn về hội trường rồi nói: "Nhìn gương mặt của sinh Việt ngồi đây, tôi không nhìn thấy có sự tươi sáng, thanh thản nhưng sinh viên ở Đức mà tôi dạy thì họ rất vui vẻ, thoải mái, tràn đầy năng lượng. Có lẽ trước hết là họ không bị gánh nặng tài chính, còn ở đây, tôi tin rằng hầu hết gia đình phải rất cố gắng để lo toan học phí cho con cái ăn học". Và ông đặt ra vấn đề sâu xa hơn chính là triết lý giáo dục, về khơi gợi nội lực của con người trong giáo dục.

"Vì sao tư chất người Việt lại chỉ được thắp sáng khi ở nước ngoài?"

"Khi ở Việt Nam, tôi được đánh giá là một học sinh trung bình yếu, nhưng khi qua Đức tôi không đến nỗi nào. Và không chỉ tôi, nhiều người Việt khi ra ngoài cũng như vậy. Vì sao tư chất của người Việt lại chỉ được thắp sáng khi ở nước ngoài? Tôi luôn trăn trở vì câu hỏi này", TS Nguyễn Vân Nam đặt câu hỏi và cho rằng với cách đào tạo như hiện nay, chúng ta rất khó để xây dựng công dân tự do của thế kỷ 21.

Nhiều nhà giáo dục, tâm lý, giáo viên, sinh viên đến lắng nghe tại tọa đàm
Nhiều nhà giáo dục, tâm lý, giáo viên, sinh viên đến lắng nghe tại tọa đàm

Ông Nam phân tích, mọi kết quả, thành quả của giáo dục là phải làm sao để mỗi người có cơ hội để trở thành một con người tự do có phẩm giá - theo ý người ta muốn. Chúng ta không hiểu tự do trong giáo dục là gì, phẩm giá theo chuẩn mực chung của con người là gì và chúng ta không phân biệt được muốn trở thành con người như chúng ta thích chứ không phải là con người giống những người khác hay giống con người mà người khác trong đợi thì không thể có được kết quả trên.

Ông Nam cũng thẳng thắn, nếu chúng ta không thay đổi căn bản giáo dục, không có triết lý giáo dục đúng thì ông không tin, người Việt Nam có thể sánh vai với tư cách là con người tự do với công dân các nước.

Công dân tự do, phải lo tự học!

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, hành trình để tìm tự do cho chính mình của mỗi người đều trải qua rất nhiều thử thách, đó còn là hành trình trải nghiệm, tự tìm tòi, tự học của chính bản thân. Ngoài cái người khác giáo dục cho mình thì mình phải tự học, tự giáo dục, tự vươn lên.


PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa tâm tư vì giáo dục của chúng ta đang nhồi nhét quá nhiều, bỏ quên yếu tố bên trong của con người.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa tâm tư vì giáo dục của chúng ta đang nhồi nhét quá nhiều, bỏ quên yếu tố bên trong của con người.

Nhưng bà thấy giáo dục của ta quá nhồi nhét, lúc nào cũng ở tâm trạng lo thiếu môn này môn kia, thiếu cái này cái kia nên "chất" cho trẻ con rất nhiều, Thành ra đã tước mất cơ hội tự tìm kiếm, tự học của các em - trong khi tự học mới là yếu tố quan trọng.

"Như chúng ta đưa gạo cho các em, các em sẽ tự tìm tòi để tạo ra theo cách của mình, có em nấu cơm, có em hầm xương nấu cháo, có em làm bún, nấu xôi hay ăn gạo sống. Mà với giáo dục như thế này, tôi nghĩ... sẽ rất nhiều sẽ em ăn gạo sống", PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa nói.

Bà Hoa nhấn mạnh, giáo dục chúng ta không tính đến yếu tố bên trong của con người. Cần khơi gợi được sự tự học, đam mê của mỗi người để thật sự có sự thôi thúc từ bên trong.

TS Lê Nguyên Phương cũng đồng tình, trước hết hệ thống giáo dục cần phải hình thành nền tảng, trang bị cho mỗi người thấy được nội lực của mình, không được áp đặt tự do, chí hướng lên người khác. Nhưng ông cũng lưu tâm đến yếu tố tự học, tự chuyển biến, chuyển hóa của mỗi người.

Hoài Nam

Tags:
Cháy rừng thiêu rụi thị trấn nghỉ mát Hawaii, rất nhiều người chết

Cháy rừng thiêu rụi thị trấn nghỉ mát Hawaii, rất nhiều người chết

Cháy rừng tàn phá thị trấn nghỉ mát Lahaina trên đảo Maui, Hawaii, khiến ít nhất 53 người chết và con số này dự kiến còn gia tăng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất