Vì sao Việt Nam là lựa chọn hàng đầu tổ chức Thượng đỉnh Trump-Kim?

Giới truyền thông Hàn Quốc những ngày qua cho biết Việt Nam là địa điểm tiềm năng nhất cho Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

21:00 09/01/2019

Cuộc hội ngộ lần 2 của vị nguyên thủ Hoa Kỳ có tuổi đời gấp đôi Kim Jong-un (36 tuổi) được dự báo sẽ là tâm điểm của các hãng truyền thông thế giới.

Ngày chính thức của Hội nghị chưa được công bố, nhưng những phán đoán về địa điểm tổ chức đã được thảo luận từ lâu. Nơi diễn ra sự kiện lịch sử này sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu và nâng cao vị thế của quốc gia sở tại, theo Bloomberg.

Hôm thứ Hai (7/1), tờ báo Munhwa Ilbo của Hàn Quốc trích dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết khả năng thủ đô Hà Nội sẽ được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Mỹ-Triều. Hôm thứ Ba, các tờ báo khác của Hàn Quốc cũng nhấn mạnh Việt Nam là ứng viên tiềm năng nhất cho Hội nghị, nhưng cho biết quốc gia hình chữ S có phương án tổ chức Hội nghị tại thành phố biển Đà Nẵng.

Vậy vì sao Việt Nam là quốc gia có khả năng cao nhất được lựa chọn làm nơi diễn ra cuộc đàm phán về khả năng giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?

Máy bay Triều Tiên không thể bay quá xa

Một trong những lý do đơn giản làm thu hẹp các phương án lựa chọn là việc các máy bay của Triều Tiên không thể bay quá xa. 

“Có một danh sách rất ngắn các địa điểm phù hợp làm ứng viên [tổ chức Hội nghị thượng đỉnh]”, theo ông Andre Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Seoul K Kminmin, nói với Asia Times. “Những nơi này phải nằm trong tầm bay của các máy bay của chính phủ Bắc Triều Tiên, cách Bình Nhưỡng 6-7 giờ bay”.

Được biết, chiếc máy bay Liên Xô Ilyushin IL-62M của ông Kim Jong-un có thể bay tới 7.000 km. Chiếc máy bay này đã tới Hội nghị Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore hồi tháng 6/2018, nhưng ông Kim được chở đến bằng chiếc chuyên cơ đi mượn của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên đến Singapore bằng chiếc máy bay mượn của Trung Quốc (Ảnh: Chính phủ Singapore/ Kyodo)

Các nước lân cận Triều Tiên đã được đưa ra phân tích. Ba nước Trung Quốc, Nga, Nhật Bản đã sớm bị loại khỏi danh sách vì Bắc Kinh và Moscow có mối quan hệ căng thẳng với Washington, trong khi Tokyo không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Ông Lankov cho rằng, còn lại các phương án Malaysia, Mông Cổ, Singapore và Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng Malaysia khó có thể được lựa chọn vì là nơi xảy ra vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh em cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un tại sân bay Kuala Lumpur năm 2017.

Singapore là nơi tổ chức Hội nghị lần 1, vì vậy rất có khả năng một quốc gia khác sẽ được lựa chọn cho Hội nghị lần 2. Theo danh sách của ông Lankov, còn lại Mông Cổ và Việt Nam. Nhưng Korea Times cho biết một ý kiến bác bỏ phương án Mông Cổ. 

Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, cho biết: “Triều Tiên có thể thích Mông Cổ nhưng Mỹ có thể sẽ phản đối ý tưởng này vì Mông Cổ thân với Trung Quốc”.

Việt Nam có thể gửi “thông điệp có ý nghĩa” tới Triều Tiên

Việt Nam có quan hệ lâu năm với Triều Tiên, và cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ, theo nhận định của Bloomberg. Từ quan điểm của Mỹ, Việt Nam có thể gửi những thông điệp có ý nghĩa đến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo Asia Times.

Tờ báo này nhận định Việt Nam có thể cho thấy một quốc gia do đảng cộng sản điều hành, từng trải qua chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng đã cải tổ nền kinh tế và có mối quan hệ vững chắc với Mỹ.

Một hội nghị ở Việt Nam cũng tạo điều kiện cho ông Kim Jong-un có thể tận mắt tham quan quốc gia hình chữ S mà ông từng bày tỏ là có ý định học tập. Giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin ông Kim từng vài lần đề cập đến mong muốn tham khảo mô hình kinh tế của Việt Nam trong các cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng từng khuyến khích ông Kim tham khảo Việt Nam, theo SCMP.

“Đất nước của các bạn có thể phỏng theo con đường này”, ông Pompeo nhắn nhủ Triều Tiên, trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 7, sau khi làm việc tại Bình Nhưỡng. “Các bạn có thể đạt được điều đó nếu các bạn nắm bắt lấy thời khắc này. Điều kỳ diệu đó sẽ là của các bạn, nó cũng có thể là điều kỳ diệu của các bạn ở Triều Tiên”, ông Pompeo nói thêm.

Tổng thống Donald Trump tổ chức một cuộc họp báo trực tiếp sau hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên đảo Santosa ở Singapore vào ngày 12 tháng 6 năm 2018. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên )
Tổng thống Donald Trump tổ chức một cuộc họp báo trực tiếp sau hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên đảo Santosa ở Singapore vào ngày 12 tháng 6 năm 2018. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên )

Hôm Chủ nhật (6/1), Tổng thống Trump nói với các phóng viên ở Washington rằng Triều Tiên và Hoa Kỳ đang đàm phán về địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2, và “sẽ công bố trong tương lai không xa”.

Chính quyền Trump cương quyết duy trì áp lực trừng phạt Triều Tiên cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa được hoàn tất. Trong khi đó, Bình Nhưỡng yêu cầu nới lỏng các lệnh trừng phạt như một phần của quá trình phi hạt nhân hoá và cải thiện mối quan hệ song phương.

Hội nghị thượng đỉnh lần 2 sẽ là nơi các nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có thể đàm phán trực tiếp.

“Về mặt khách quan, [một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim] là nơi duy nhất có thể đạt được một thỏa hiệp có ý nghĩa”, theo ông Lankov.

“Câu hỏi đặt ra là liệu phía Mỹ có quan tâm đến việc thỏa hiệp hay không: Lập trường chính thức [của chính quyền Trump] là ‘tất cả hoặc không gì cả’. Ông Trump có thể thương lượng để đạt được một sự thỏa hiệp, nhưng liệu ông ấy có muốn [thoả hiệp] hay không – đó mới là vấn đề”.

Hà Phong

Tags:
Quá khứ đ en của Vạn Lý Trường Thành: Niềm kiêu hã nh ngàn năm của TQ bị chọc thủng thế nào?

Quá khứ đ en của Vạn Lý Trường Thành: Niềm kiêu hã nh ngàn năm của TQ bị chọc thủng thế nào?

Vạn Lý Trường Thành là công trình quân sự nhân tạo dài nhất thế giới, nhưng liệu nó có hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Trung Quốc trước sự x âm lư ợc của các thế lực ngoại bang?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất