Viện Virus học Vũ Hán - nơi bị Mỹ nghi phát tán nCoV

Viện Virus học Vũ Hán trở thành tâm điểm chú ý khi giới chức và truyền thông Mỹ lo ngại rằng nCoV bị "phát tán" từ cơ sở bí mật này.

07:00 18/04/2020

Thông tin về Viện Virus học Vũ Hán, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc rất hạn chế, nhưng giờ đây nó đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai tuyên bố đang "xem xét rất kỹ lưỡng" về khả năng nCoV "lọt ra" từ cơ sở nghiên cứu này.

Tờ Washington Post trước đó cũng dẫn lời các quan chức Mỹ từng đến thăm viện nghiên cứu vào tháng 1/2018 cho biết họ đã cảnh báo những yếu kém về an toàn và quản lý tại cơ sở này. Nhóm quan chức Mỹ cũng cho rằng công việc nghiên cứu virus corona nguồn gốc từ dơi tại phòng thí nghiệm này có nguy cơ dẫn đến đại dịch mới giống SARS.

Các nhà khoa học của viện nghiên cứu này đều rất kín tiếng. Chuyên viên Thạch Chính Lệ, người từng bày tỏ quan điểm trên tạp chí khoa học Scientific American, nghi ngờ rằng virus có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm. Nhưng khi bài báo được xuất bản hôm 11/3, bà công khai bác bỏ và thay đổi quan điểm hoàn toàn. 

Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: WIV website. 
Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: WIV. 

Trong cuộc họp báo ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ mọi tuyên bố rằng có điều gì đó đáng ngờ trong phòng thí nghiệm này và mượn lời của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy nCoV, loại virus khiến hơn hai triệu người nhiễm, được tạo ra từ đây. 

"Tổng giám đốc WHO đã nhiều lần tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy nCoV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của chúng tôi. Rất nhiều chuyên gia y tế nổi tiếng trên thế giới cũng tin rằng đồn đoán virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm không có cơ sở khoa học", Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tại họp báo. 

Nhưng các thuyết âm mưu vẫn không ngừng tăng lên.

Viện Virus học Vũ Hán, cơ sở đầu tiên ở Trung Quốc nghiên cứu về các mầm bệnh đe dọa cuộc sống con người và được xây dựng để có thể chống chịu động đất 7 độ, là niềm tự hào của người dân thành phố này. Nó được xem là minh chứng cho năng lực của Trung Quốc và giúp các nhà nghiên cứu của nước này sánh ngang tầm với các nhà khoa học ở châu Âu và Mỹ.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thông qua dự án xây dựng Viện Virus học vào năm 2003. Trung Quốc đã tiêu tốn 44 triệu USD để xây dựng cơ sở nghiên cứu này.

Thiết kế phức tạp của phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) đầu tiên của Trung Quốc, cùng với đó là những quan ngại của các nhà khoa học về nguy cơ virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm có thể gây đại dịch, đã khiến quá trình xây dựng cơ sở kéo dài 12 năm trước khi đi vào hoạt động.

Năm 2015, Viện Virus học Vũ Hán mở cửa. "Cơ sở BSL-4 mới của chúng tôi đóng vai trò không thể thiếu trong việc ngăn chặn và kiểm soát những vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh cao", Hạ Hàng, phó giáo sư tại Viện Virus học Vũ Hán, từng tuyên bố trong một báo cáo đăng trên tạp chí của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc.

Nằm cạnh sông Dương Tử, phòng thí nghiệm được cấp "giấy chứng nhận về việc thiết lập và sử dụng những thiết bị bảo vệ quan trọng", theo tuyên bố trên trang web của phòng thí nghiệm.

Phòng thí nghiệm BSL-4 có mức độ an toàn sinh học cao nhất. Những cấp độ xếp theo thang từ một tới 4 này phụ thuộc vào những loại sinh vật đang được nghiên cứu. Một phòng thí nghiệm cơ bản, nơi nghiên cứu những tác nhân không gây chết người và có mối đe dọa tối thiểu với nhân viên ở đó hoặc môi trường, sẽ được xếp vào cấp độ 1 (BSL-1).

Các nhà khoa học tại những phòng thí nghiệm cấp 4 như Viện Virus học Vũ Hán  thường phải làm việc với những tác nhân hoặc căn bệnh cực kỳ nguy hiểm có thể gây chết người. Các biện pháp an toàn và phòng ngừa mà các nhân viên phải áp dụng rất nghiêm ngặt, bao gồm lọc sạch không khí, xử lý mọi nguồn nước, rác thải trước khi chuyển ra ngoài. Nhân viên cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân và phải tắm rửa, thay đồ trước và sau khi kết thúc ca làm việc.

Một nhà nghiên cứu đang làm việc trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán, hồi tháng 2/2017. Ảnh: AFP.
Một nhà nghiên cứu đang làm việc trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán, hồi tháng 2/2017. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Trump từng tuyên bố phòng thí nghiệm ở Vũ Hán chỉ được trang bị để xử lý những mầm bệnh ít nguy hiểm hơn nhiều, từ đó gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng tình báo nước này.

Mặc dù Viện Virus học Vũ Hán là cơ sở BSL-4 đầu tiên ở Trung Quốc đại lục, nhiều phòng thí nghiệm với cấp độ tương tự đã được xây dựng ở Mỹ và châu Âu trong hơn 15 năm qua. Mỹ hiện có 10 phòng thí nghiệm BSL-4, trong đó cơ sở lớn nhất nằm ở Atlanta rộng gần 9.000 m2 và có giá trị lên tới 480 triệu USD. Cơ sở nghiên cứu BSL-4 đầu tiên của Mỹ được xây dựng năm 1967 trên một chiếc xe đầu kéo để chống lại Marburg, loại virus tương tự Ebola.

Mặc dù lưu ý rằng không có quy tắc quốc tế nào thực sự quy định về vấn đề an toàn sinh học, WHO cho biết có khoảng 54 phòng thí nghiệm sinh học cấp độ cao tại hơn 20 quốc gia. Danh sách được WHO công bố năm 2018 bao gồm 31 cơ sở BSL-4, cũng như hàng chục cơ sở khác đang hoạt động tại Arab Saudi, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà.

Kể từ khi mở cửa, Viện Virus học Vũ Hán đã nghiên cứu về các bệnh dịch như SARS, Ebola, HIV, sốt xuất huyết Lassa và mới đây là Covid-19. Cơ sở này hợp tác cùng nhiều trường đại học khác nhau trên toàn thế giới, như Đại học Wageningen của Hà Lan và Đại học Montpellier 2 của Pháp. Nó cũng có mối quan hệ chặt chẽ với bang Texas và được nhận hỗ trợ từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston thuộc Đại học Texas Medical Branch, cũng như nhiều tổ chức khác. 

Mặc dù phòng thí nghiệm này đóng vai trò lớn trong việc xác định sự bùng phát của loại virus chưa từng được biết đến là nCoV, thành tựu của nó vẫn bị lu mờ bởi các đồn đoán rằng những người bị nhiễm nCoV đầu tiên là do một sự cố xảy ra ở đây. 

"Nhiều người Trung Quốc tin rằng hoặc là virus bị phát tán một cách cố ý hoặc là vô tình bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán", chuyên gia đối ngoại Gordon Chang nói với tờ Fox News mới đây. "Phòng thí nghiệm này, được biết đến là nơi đang nghiên cứu nCoV, nằm cách không xa chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán, địa điểm ban đầu được cho là khởi nguồn của Covid-19". 

Trong hàng loạt tài liệu ngoại giao được dán nhãn "nhạy cảm nhưng không bảo mật", các quan chức đại sứ quán Mỹ cảnh báo rằng phòng thí nghiệm này có những điểm yếu lớn về mặt quản lý, gây ra những mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng và cảnh báo rằng Washington nên can thiệp vào vấn đề này.

Tài liệu đầu tiên mà tờ Washington Post có được cũng đã gửi cảnh báo về hoạt động nghiên cứu virus trên loài dơi của phòng thí nghiệm này và đặc biệt là nguy cơ chúng gây ra một đại dịch mới giống SARS như thế nào khi virus có khả năng truyền sang người.

"Khi làm việc với các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán, họ lưu ý rằng phòng thí nghiệm mới thiếu hụt nghiêm trọng kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo chuyên nghiệp để hoạt động một cách an toàn", tài liệu ngày 19/1/2018 do hai quan chức phụ trách y tế, khoa học và môi trường thuộc đại sứ quán Mỹ, từng tiếp xúc với các nhà khoa học ở Viện Virus học Vũ Hán, có đoạn viết.

Tài liệu này khuyến nghị Mỹ hỗ trợ nhiều hơn cho nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, bởi nghiên cứu về virus trên loài dơi rất quan trọng và nguy hiểm. Cơ sở nghiên cứu này cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston thuộc Đại học Texas Medical Branch. Tài liệu cũng cho rằng cần lưu ý đến nhà khoa học Thạch Chính Lệ, người ban đầu cho rằng nCoV có thể đã vô tình rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm, nhưng sau đó lại lên tiếng bác bỏ. 

Bà Thạch Chính Lệ phát biểu tại một hội nghị ở Trung Quốc, hồi tháng 11/2018. Ảnh: GNews.
Bà Thạch Chính Lệ phát biểu tại một hội nghị ở Trung Quốc hồi tháng 11/2018. Ảnh: GNews.

Bà Thạch, người đứng đầu công trình nghiên cứu, từng đăng một bài viết vào tháng 11/2017 chỉ ra những con dơi móng ngựa được thu thập ở tỉnh Vân Nam cũng có thể cùng họ với loài dơi đứng sau đợt bùng phát của virus SARS đầu tiên năm 2003.

Tài liệu này cho hay "những nhà nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều loại virus có hình vương miện có thể tương tác với protein thụ thể ACE2 trong cơ thể con người giống như virus gây dịch SARS". Phát hiện này cũng cho thấy những loại virus có hình vương miện từ loài dơi có thể truyền sang người và gây dịch bệnh như SARS. Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, điều này khiến việc theo dõi liên tục các loại virus từ dơi, cũng như những nghiên cứu về điểm chung giữa con người và động vật, trở nên đặc biệt quan trọng đối với việc dự đoán và phòng ngừa các dịch bệnh do loại virus này gây ra trong tương lai.

Mặc dù có bằng chứng chỉ ra những hoạt động nguy hiểm trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ cũng như nhiều quan chức cấp cao khác trong chính quyền Trump nói rằng Covid-19 không phải bắt nguồn từ phòng thí nghiệm và cũng không phải là kết quả của chương trình vũ khí sinh học. 

"Tôi sẽ nói nó không có nguồn gốc từ hai điều đó. Có người từng hỏi tôi liệu có thấy lo lắng hay không. Đó không phải là chuyện khiến tôi lo lắng. Tôi nghĩ bây giờ điều chúng ta quan tâm là làm thế nào để điều trị cho những người nhiễm bệnh và làm sao để ngăn mọi người không bị ốm. Nhưng không, tôi không lo ngại rằng nó là một loại vũ khí sinh học", chuẩn tướng không quân Mỹ Paul Friedrichs tuyên bố tuần trước.

Link nguồn: https://vnexpress.net/vien-virus-hoc-vu-han-noi-bi-my-nghi-phat-tan-ncov-4085962.html

Tags:
Triệu chứng kỳ lạ nhất của Covid-19

Triệu chứng kỳ lạ nhất của Covid-19

Việc mất khứu giác và vị giác có thể là dấu hiệu của người đã nhiễm virus corona ngay cả khi họ không ho, sốt hoặc có các triệu chứng điển hình khác.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất