Viết thuê luận văn cho sinh viên Mỹ: Kỹ nghệ ‘hốt bạc’ ở ngoại quốc

Ace-MyHomework, EssayShark… là các trang web “quảng cáo” giúp làm các bài tập ở nhà cho sinh viên Mỹ. Đây cũng là nơi để người ở các quốc gia đang phát triển có cơ hội kiếm tiền.

04:00 09/09/2019

Một bài báo đăng tải trên tờ The New York Times hôm 7 Tháng Chín cho hay, việc gian lận ở đại học chẳng là điều gì mới, nhưng mạng Internet nay giúp điều này trở thành một kỹ nghệ trải rộng toàn cầu. Dù các dịch vụ này đã hiện diện từ hơn một thập niên qua, các chuyên gia nói rằng nhu cầu này gia tăng cao từ vài năm trở lại đây, và các trang dịch vụ đó cũng được chuyên môn hóa hơn, có các đường điện thoại để trả lời câu hỏi của khách hàng, và có cả bảo đảm hoàn lại tiền nếu có vấn đề.

Sinh viên tốt nghiệp đại học. (Hình minh họa: Bill Wechter/AFP/Getty Images)

Kết quả là nay nhiều triệu bài luận văn được đặt mua hằng năm trong kỹ nghệ trải rộng khắp thế giới, là nguồn tài chính đủ cho một số người viết coi đây là công việc toàn thời gian của mình.

Kỹ nghệ viết thuê luận văn hiện đang phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia đang phát triển, có nhiều người nói tiếng Anh, có hệ thống Internet tốt, và có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, đặc biệt là ở Kenya, Ấn Độ và Ukraine.

Một nhóm trên Facebook dành cho những người chuyên viết các bài luận văn trình độ đại học ở Kenya có hơn 50,000 thành viên.

Một trong những người này là cô Mary Mbugua, một sinh viên đại học ở Nyeri, Kenya.

Sau khi vào làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ viết thuê luận văn, được huấn luyện trong vòng một tháng, cô bắt đầu viết các bài luận văn cho sinh viên tại đại học Mỹ, Anh và Úc.

Cô viết đủ mọi đề tài, từ việc con người có nên thuộc địa hóa không gian hay không, cho tới quyền được chết. Trong tháng “khấm khá” nhất, cô kiếm được khoảng $320, số tiền lớn nhất cô từng kiếm được trong đời.

Hiện chưa rõ là các trang chuyên về viết luận văn mướn này, thường được gọi là “contract cheating,” được sử dụng tới mức nào ở đại học Mỹ.

Kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2005 ở Bắc Mỹ cho thấy có 7% sinh viên bậc cử nhân thú nhận nộp các bài luận văn do người khác viết, trong khi 3% nói họ mua từ các nơi chuyên bán luận văn viết sẵn.

Bà Cath Ellis, một nhà nghiên cứu hàng đầu về vấn đề này, cho biết nhiều triệu bài luận văn được đặt mua qua mạng trên khắp thế giới mỗi năm.

“Đây là một vấn đề lớn lao,” theo bà Tricia Bertram Gallant, giám đốc văn phòng về duy trì sự chính trực trong đại học, tại trường University of California San Diego (UCSD).

“Nếu chúng ta không có biện pháp đối phó, chúng ta sẽ biến các trường đại học được công nhận này thành các nơi phân phát bằng đại học,” bà nói.

Một vụ tai tiếng lớn ở Úc hiện nay về vấn đề “contract cheating” đang khiến cho các giới chức đại học ở quốc gia này tìm cách đối phó. Một nỗ lực tương tự hiện cũng đang diễn ra ở Anh, nhưng ở Mỹ thì không thấy có động tĩnh gì.

Một điều thú vị là khi thấy có nhiều người viết ngoại quốc tham dự vào dịch vụ viết luận văn thuê này, một số trang cung cấp dịch vụ nay đang quảng cáo về “gốc gác Mỹ” của họ. Một trang còn nói “đưa công việc về lại Mỹ” là một trong những ưu điểm của họ.

Nhưng, những người viết luận văn thuê ở Mỹ có khi đòi tới $30 một trang, trong khi những người như cô Mbugua ở Kenya chỉ lấy có $4. Những người viết gốc Mỹ đáp trả rằng họ cung cấp dịch vụ tốt hơn, không dùng cách viết đặc thù của nguòi Anh hoặc những thành ngữ có thể tạo nghi ngờ về tác giả bài luận văn.

Cô Mbugua cho hay cô thích học hỏi và làm công việc này cũng buộc cô phải học rất nhiều. Và công việc làm nhiều khi cũng khiến cô mơ ước được vào học ở những trường đại học mà cô đang viết luận văn thuê cho sinh viên nơi đó.

Nhưng cô nói: “Người ta bảo hệ thống giáo dục ở Mỹ, Anh và các quốc gia khác là hàng đầu thế giới. Tôi không nói các sinh viên học ở đó giỏi hơn chúng tôi. Tôi biết, vì chúng tôi cũng đã phải học. Chúng tôi đã làm các bài tập.” (Lê Tâm)

Tags:
Học phí đắt đỏ, sinh viên Mỹ nhịn đói, bỏ bữa để có tiền trang trải

Học phí đắt đỏ, sinh viên Mỹ nhịn đói, bỏ bữa để có tiền trang trải

Hàng triệu sinh viên Mỹ đối mặt với tình trạng ăn uống thiếu thốn, chỗ ở tạm bợ do chi phí sinh hoạt tốn kém. Họ buộc phải trông đợi vào các bữa ăn miễn phí do nhà trường tài trợ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất