Vợ Việt nơi đất khách - Kỳ 6: Nữ trưởng phòng phải đi... ch_ùi to_ilet

Khi quyết định kết hôn cùng một kỹ sư người Thụy Sỹ, tôi đã đắn đo rất nhiều, phần vì mặc cảm mình đã một nách hai con, trong khi anh còn khá trẻ lại chưa một lần kết hôn, phần nữa là những khác biệt văn hóa…

09:00 29/04/2019

Thế nhưng, tình cảm chân thành của anh dành cho cả ba mẹ con tôi đã khiến tôi không còn phân vân nữa.

Lần đầu gặp anh, tôi đang làm công việc phóng viên truyền hình cho một cơ quan báo chí, còn anh sang Việt Nam 1 năm để giúp đỡ những người khuyết tật và trẻ mồ côi dưới danh nghĩa một tổ chức từ thiện NGO.

Anh là nhân vật chính trong một talk show dài 30 phút phát trên truyền hình VTV4 do tôi làm biên tập. Rồi sau đó, tôi cũng được chính nơi anh đang làm tình nguyện mời đứng lớp kèm một số người khuyết tật viết bài trong một dự án làm sách. Nếu bảo vợ chồng là duyên số, thì tôi tin rằng có.

Hơn một năm sống cùng nhau ở Việt Nam, chúng tôi quyết định chuyển tới quê chồng tại Thụy Sỹ để các con có môi trường học tập tốt hơn. Chồng tôi về trước để thu xếp lại công việc và chỗ ở đủ rộng rãi cho cả gia đình, anh muốn khi chúng tôi sang tới nơi mọi thứ đã sẵn sàng tốt nhất.

Thiên đàng chật vật ở Thụy Sỹ 1

Lần đầu gặp anh, tôi đang làm công việc phóng viên truyền hình cho một cơ quan báo chí, còn anh sang Việt Nam 1 năm để giúp đỡ những người khuyết tật và trẻ mồ côi dưới danh nghĩa một tổ chức từ thiện NGO.

Những ngày đầu như... thiên đàng

Trước khi tôi và các con đặt chân tới Thụy Sỹ ít ngày, chồng tôi tới trường học gần nhà nhất thông báo sẽ có hai em bé người Việt chuyển tới. Thủ tục chỉ thế là xong. Luật Thụy Sỹ quy định mọi công dân sống trên đất Thụy Sỹ đều được quyền bình đẳng như nhau về chăm sóc y tế và giáo dục, bất kể tình trạng cư trú.

Trẻ con từ 4 tuổi đều buộc phải tới trường, nếu không người giám hộ sẽ bị phạt nặng. Bởi vậy, chồng tôi chỉ cần thông báo cho trường học gần nhất và cho họ biết ngày tháng năm sinh của các con là xong. Không có bất cứ một loại đơn từ hay giấy tờ thủ tục gì thêm.

Chỉ hai ngày sau, nhà trường đã gửi toàn bộ thông tin về lớp học, giáo viên chủ nhiệm và cả các tài liệu sách vở học tập cho các con tới tận nhà. Họ cũng thông báo đã tìm được một cô giáo người Việt sống trong khu vực, cô sẽ tới nhà mỗi tuần vài tiếng để kèm các con học tiếng cho tới khi chúng có thể hoàn toàn hòa nhập.

Ngoài ra, vào những dịp quan trọng, cô sẽ tới trường phiên dịch giúp bọn trẻ. Mọi chi phí nhà trường chi trả hết… Khỏi phải nói, tôi đã choáng váng thế nào trước sự chu đáo này.

Tới Thụy Sỹ 2 ngày, bọn trẻ theo lịch hẹn phải tới trường cùng ba mẹ, đã có ông giám đốc, cô hiệu trưởng, hai cô chủ nhiệm và cô phiên dịch chờ sẵn. Chúng tôi được tham quan quanh trường. Nhìn trường lớp đẹp đẽ với cơ man đồ chơi, dụng cụ học tập bắt mắt, bọn trẻ không giấu được sự phấn khích, chúng thậm chí cứ đòi “đuổi” bố mẹ về để chúng có thể lao vào lớp học luôn.

Điều tôi ấn tượng nhất là lời cô chủ nhiệm dặn: “Mỗi tuần sẽ có vài bạn khuyết tật tới học chung để hòa nhập, xin phụ huynh dặn các con đừng làm các bạn cảm thấy khác biệt hoặc trêu chọc các bạn”. Giây phút đó, tôi đã trọn vẹn niềm tin rồi đây các con của mình sẽ không bao giờ bị đối xử tồi tệ với một nền tảng giáo dục nhân văn thế này.

Tôi nhớ mãi ngày đầu ra mắt mẹ chồng. Bà đón tôi ở ga, hai tay giang rộng ôm chặt con dâu, cố gắng phát âm 2 tiếng “xin chào con” mà chồng tôi đã tập cho bà trước khi mẹ con tôi đặt chân tới Thụy Sỹ. Rồi bà ôm hôn hai đứa con tôi, miệng không ngớt trầm trồ: “Ồ chúng xinh quá, chúng dễ thương quá…”. Lúc ấy, chồng tôi đứng cạnh hồn nhiên khoe, khi hoàn tất thủ tục bảo trợ cho con riêng của vợ thì bọn trẻ sẽ được pháp luật công nhận như cháu ruột của bà.

Nhưng mẹ chồng tôi khoát tay thật dứt khoát: “Chúng đã là cháu ruột của tôi rồi!”. Khi tới nhà bà, tôi đã lặng người xúc động khi gối đầu giường bà là cuốn sách tự học tiếng Việt, dù sau này bà ngượng nghịu bảo tôi: Mẹ già rồi, học tiếng Việt khó quá, thôi con cố học tiếng Pháp nhanh đi để nói chuyện dễ hơn.

Cả gia đình chồng đã đón nhận chúng tôi như thế, chưa bao giờ để tôi cảm giác mình và các con được ưu tiên hơn người khác, cũng không ai có bất cứ dấu hiệu gì kỳ thị chúng tôi. Đơn giản, mọi người coi chúng tôi bình đẳng như tất cả các thành viên khác trong gia đình.

Suốt 6 tháng đầu tiên bắt đầu cuộc sống mới, mọi việc thật hanh thông. Khi đó vào xuân, muôn hoa đua nở, Thụy Sỹ thanh bình xinh đẹp như hiện hữu của thiên đàng. Mẹ chồng mua tặng tôi cái thẻ sử dụng phương tiện công cộng không giới hạn trong suốt 1 năm để tôi thỏa lòng khám phá đất nước mới. Đời đẹp như một giấc mơ.

Thiên đàng chật vật ở Thụy Sỹ 2

Giây phút đó, tôi đã trọn vẹn niềm tin rồi đây các con của mình sẽ không bao giờ bị đối xử tồi tệ với một nền tảng giáo dục nhân văn thế này.

Đi dọn vệ sinh, chùi toilet

Tuy nhiên, hết thời gian háo hức khám phá vùng đất mới rồi thì mọi việc sẽ rất khác. Bắt đầu một cuộc sống ở một đất nước không cùng ngôn ngữ, khi tuổi đời không còn quá trẻ luôn là điều không hề dễ dàng.

Cũng may tôi thuộc tạng người cực kỳ dễ thích ứng, và nhờ những kiến thức cóp nhặt được trong nghề làm báo trước đây mà tránh được những cú sốc văn hóa mà hầu như ai cũng gặp.

Tôi phải mất rất nhiều thời gian tập làm quen với việc chỉ riêng phân loại rác thải trong gia đình: rác hữu cơ bỏ riêng để tái chế thành các sản phẩm chăm sóc đất, rác vô cơ lại phân loại ra dăm bảy thùng khác nhau như hộp carton, giấy viết, hộp thiếc, hộp nhôm, đồ nhựa, thủy tinh… bỏ vào nơi quy định riêng để tái chế, thậm chí phải rửa sạch trước khi vất đi. Người Thụy Sỹ giữ gìn môi trường như giữ chính con ngươi của mắt, không hề nói ngoa.

Đừng nghĩ dân xứ có thu nhập đầu người nằm trong nhóm hàng đầu quả đất chắc hẳn sống rất xa xỉ. Không đâu, người Thụy Sỹ rất tiết kiệm. Họ có thể mặc hoài những bộ đồ cho tới khi nó sờn cũ hẳn. Đồ chất lượng còn tốt mà không sử dụng, họ sẽ giặt ủi sạch sẽ tinh tươm đem tặng các tổ chức từ thiện để bán cho người nghèo với giá tượng trưng.

Tại các làng mạc và thành phố đều có các phiên chợ đồ cũ, mọi người đều tham gia mua bán rất thỏa mái chứ không hề mặc cảm gì. Đơn giản, vì họ không bao giờ bỏ đi những thứ còn dùng được, dù cho hàng mới vừa rẻ vừa ê hề. Người lớn luôn dạy trẻ con cố gắng không để thừa đồ ăn, hãy nhớ tại Châu Phi vẫn còn nhiều người đang thiếu lương thực…

Để đỡ nhàn rỗi, tôi đi giúp việc dọn nhà cho vài gia đình hàng xóm, rồi làm vệ sinh toillete lại một hãng xưởng trong thời gian công nhân của họ nghỉ hè. Hàng ngày tôi giam mình trong phòng, tự cách ly khỏi mọi giao tiếp, trong đầu chỉ đau đáu một suy nghĩ làm cách nào bước chân ra ngoài xã hội...

Tôi phải tập thói quen đi đâu cũng kè kè cái sổ tay để ghi chú từng việc lớn nhỏ. Dân Thụy Sỹ không hổ danh là bậc thầy về quản lý và nổi tiếng bởi tính chu đáo cẩn thận. Du lịch, đi làm móng, cắt tóc, đi khám bác sỹ, làm sinh nhật các thành viên trong gia đình… nhất nhất đều phải đặt lịch trước tới cả vài tuần hay vài tháng. Bạn bè gia đình muốn gặp nhau uống ly café hay dùng một bữa cơm, phải hẹn trước ít ngày. Kể cả việc chi tiêu cá nhân cũng phải lên kế hoạch trước từng khoản.

Ngày nghỉ cuối tuần nếu không có việc cực kỳ cấp bách, không bao giờ nên gọi điện cho người khác. Tới hẹn trễ 5 phút phải lập tức gọi điện thông báo, trễ 10 phút được coi là việc cực kỳ mất lịch sự… Với những thói quen trở thành quy tắc xã hội như thế, dân Thụy ít khi cho phép mình lâm vào hoàn cảnh bị động lắm.

Sáu tháng, khi các con đã có thể giao tiếp khá thỏa mái bằng tiếng Pháp với bạn bè thì tôi vẫn gần như câm điếc ngôn ngữ bản địa dù mẹ chồng vẫn mỗi tuần 2 ngày đều đặn ngồi tàu tới nhà kèm con dâu các mẫu giao tiếp đơn giản.

Ra ngoài đường, tôi vẫn phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Đôi khi đứng trước một người bán hàng không hiểu tiếng, hai bên cứ hoa tay múa chân cố gắng diễn giải.

Chồng tôi muốn tôi đi học tiếng tại trường đại học, nhưng nhìn thấy khoản chi phí mỗi tháng cả ngàn đồng tiền học trong khi cả gia đình và mẹ già của tôi bên Việt Nam đều dựa vào đồng lương của chồng khiến tôi không cho phép mình được đụng tới giải pháp này. Hơn nữa, hàng trăm bộ hồ sơ xin việc được rải khắp nơi không một hồi âm khiến tôi từ từ suy sụp, rồi lâm vào stress nặng.

Để đỡ nhàn rỗi, tôi đi giúp việc dọn nhà cho vài gia đình hàng xóm, rồi làm vệ sinh  toilet lại một hãng xưởng trong thời gian công nhân của họ nghỉ hè. Hàng ngày tôi giam mình trong phòng, tự cách ly khỏi mọi giao tiếp, trong đầu chỉ đau đáu một suy nghĩ làm cách nào bước chân ra ngoài xã hội… Cũng may, nhìn các con hòa nhập vào cuộc sống mới quá tốt cũng phần nào khiến tôi được an ủi.

Thiên đàng chật vật ở Thụy Sỹ 4

Sau hai năm từ ngày đặt chân tới Thụy Sỹ, tôi mở được một tiệm làm móng và các dịch vụ thẩm mỹ nhỏ của riêng mình, đã có thu nhập tạm ổn và các mối quan hệ xã hội.

Rồi mọi việc cũng qua…

Qua sự giới thiệu của người bạn, tôi tìm tới cơ quan giúp đỡ những người thất nghiệp. Khi trao đổi với bà Conseillere, người phụ trách hồ sơ của tôi, tôi đã bật khóc nức nở trình bày tôi không cần giúp tiền, tôi chỉ cần giúp bất cứ một công việc để làm, để có cơ may bước chân ra ngoài xã hội.

Bà nắm tay tôi, cố gắng diễn giải ý mình bằng vốn tiếng Anh chật vật: “Tôi đã coi hồ sơ của cô, tôi thật lòng khuyên cô bình tĩnh lại, cô là một nhà báo, từng giữ vị trí trưởng phòng truyền hình, cô không sang đây để cả đời gắn bó với công việc chùi rửa toilet.

Hãy nghe tôi, ban đầu phải học tiếng Pháp cho tốt, rồi sau đó tức khắc mọi thứ sẽ tốt đẹp lên. Hãy bước chậm, và chắc. Tôi đã chứng kiến cả ngàn trường hợp giống cô rồi, đừng thất vọng”.

Sau này, tôi mới biết, tôi là trường hợp chưa bao giờ đóng tiền thất nghiệp cuối cùng được đặc cách đi học tiếng Pháp bằng quỹ của cơ quan thất nghiệp.

Bà Conseillere đã phá lệ để giúp tôi. Tám tháng được học tiếng tại những trung tâm tốt nhất với học phí lên tới hàng chục ngàn quan Thụy Sỹ đã giúp tôi lấy lại được thăng bằng, tìm được các mối quan hệ xã hội, và xây dựng cho mình các định hướng nghề nghiệp cụ thể hơn.

Sau hai năm từ ngày đặt chân tới Thụy Sỹ, tôi mở được một tiệm làm móng và các dịch vụ thẩm mỹ nhỏ của riêng mình, đã có thu nhập tạm ổn và các mối quan hệ xã hội.

Tôi cũng đã xây dựng được cho mình kế hoạch những bước phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Với bài học trải nghiệm cá nhân, tôi luôn khuyên những người bạn mới sang hãy bằng mọi giá tìm kiếm các mối giao tiếp xã hội để luyện tiếng. Các cụ già luôn thích có người chuyện trò, hãy tiếp cận và chân thành chia sẻ với họ, vốn từ giao tiếp sẽ lên rất nhanh.

Tìm tới các tổ chức của nhà thờ với các công việc của tình nguyện viên cũng giúp bạn có thêm nhiều giao tiếp. Và đừng sợ khó, đừng ái ngại khi bắt đầu cuộc sống bằng những lao động tay chân, người Thụy Sỹ luôn trân trọng tất cả những công việc khác nhau trong xã hội, miễn là nó lương thiện thì đều có ích cho cộng đồng.

Chỉ cần bạn có tâm và cố gắng, rồi việc gì cũng có thể, tôi tin thế!

Hương Vũ /(từ Neuchatel, Thụy Sỹ)

Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1: Trần trụi ở.... Paris

Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1: Trần trụi ở.... Paris

"Rời quê hương theo chồng ra nước ngoài là 'một cuộc cách mạng', những phụ nữ Việt như một chiến sĩ đơn độc buộc phải lựa chọn tồn tại hay không tồn tại", chia sẻ của một người vợ Việt tại Châu Âu. Câu chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Tây, ở nước ngoài với sự khác biệt mọi thứ khiến tất cả phải "chiến đấu".

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất