Washington tê liệt khi giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng

Giá dầu xuống mức thấp nhất từ trước đến nay vào ngày 20/4. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra được phương án vực dậy giá dầu.

02:30 22/04/2020

Các hãng hàng không, nhà hàng, nhà bán lẻ, nông dân và hàng loạt các ngành công nghiệp khác đang nhận được hàng tỷ USD tiền cứu trợ khi nền kinh tế Mỹ lao đốc vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ của Mỹ lại đang thua lỗ.

Washington te liet khi gia dau xuong duoi 0 USD/thung hinh anh 1 tai_xuong.jpg

Một nhà máy lọc dầu ở Texas, Mỹ. Ảnh: AP.

Giá dầu giao kỳ hạn của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay vào hôm 20/4, ở mức -37,63 USD /thùng. Con số này đã phá vỡ kỷ lục thấp nhất trước đó là 10 USD/thùng vào năm 1986, theo Politico.

Các nhà hoạch định chính sách đang phải cố gắng giải quyết tình trạng dư thừa dầu thô có thể đẩy ngành công nghiệp này vào suy thoái và khiến hàng chục công ty phá sản.

Nước Mỹ lúng túng

Nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách Mỹ chỉ tập trung đưa ra các chính sách để đảm bảo việc giá dầu tăng cao trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ sẽ không quay lại. Họ đã tạo ra một kho dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn cung có sẵn cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, với việc lượng dầu Mỹ sản xuất đạt mức kỷ lục vào cuối năm ngoái và các bể chứa hiện tràn dầu, Washington có rất ít công cụ để nâng giá dầu và giữ cho ngành công nghiệp năng lượng không sụp đổ.

“Chính phủ Mỹ có rất ít khả năng thay đổi tình trạng này”, nhà phân tích về dầu mỏ của ngân hàng Raymond James, ông Pavel Molchanov cho biết. “Vấn đề là có tới 20% nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu bây giờ không cần dùng dần nữa, chủ yếu là do các biện pháp hạn chế để ngăn virus corona”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã được khen ngợi vì thúc đẩy Nga và Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến giá dầu và giảm lượng dầu vận chuyển đến các nơi khác. Tuy nhiên, việc cắt giảm sẽ không có hiệu lực cho đến đầu tháng tới. Điều này ảnh hưởng đến giá dầu thô trong thời gian ngắn và khiến các nhà sản xuất dầu phải vật lộn để tìm kho lưu trữ sản phẩm của họ.

Washington te liet khi gia dau xuong duoi 0 USD/thung hinh anh 2 merlin_171515244_7ecbb855_74ec_414c_87b7_d85ef491cb8d_jumbo.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo. Ảnh: AP.

Khi được hỏi về các nỗ lực để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã chuyển các câu hỏi này cho Hội đồng An ninh Quốc gia. Tuy nhiên, ủy ban này không trả lời. Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ cũng không trả lời các câu hỏi.

Sau khi Quốc hội từ chối yêu cầu chi 3 tỷ USD để mua dầu đổ đầy kho Dự trữ Dầu Chiến lược của Bộ Năng lượng, cơ quan này đã thay đổi phương pháp và hiện cho phép các công ty thuê chỗ để chứa 30 triệu thùng dầu. Tuy nhiên, số dầu này và 47 triệu thùng dầu khác có thể được đưa vào kho lưu trữ liên bang trong những tuần tới chỉ chiếm phần nhỏ số dầu dư thừa. Các bể chứa dầu tư nhân đang được đổ đầy với tốc độ 2 triệu thùng dầu một ngày.

"Làn sóng phá sản sắp quét qua ngành dầu mỏ"

Các báo cáo rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét trả tiền cho các công ty dầu mỏ ngừng bơm dầu và xem lượng dầu vẫn còn dưới lòng đất là một phần trong kho dự trữ quốc gia của Mỹ không khiến các công ty dầu mỏ thấy an tâm.

Ông Dan Eberhart, giám đốc điều hành của công ty dịch vụ dầu mỏ Canary LLC, đã bác bỏ thông tin các công ty được trả tiền để ngưng bơm dầu và gọi đây là “câu chuyện đánh lạc hướng”.

“Một làn sóng phá sản sắp sửa quét qua ngành dầu mỏ”, ông Eberhart nói với Politico.

Các hợp đồng tương lai dầu thô của Mỹ vào tháng 5 có thể còn dưới 6 USD/thùng do các thương nhân buộc phải bỏ các khoản đầu tư trước khi hết hạn hợp đồng. Giá dầu trong các hợp đồng tháng 6 đã giảm khoảng 2,50 USD xuống còn 22,60 USD/thùng.

Washington te liet khi gia dau xuong duoi 0 USD/thung hinh anh 3 merlin_171261102_8850fc90_20a8_4049_bf49_003ea5fc1efe_jumbo.jpg

Một công nhân dầu mỏ tại công ty dầu mỏ ở Mexico. Ảnh: New York Times.

Các quan chức của ngành công nghiệp năng lượng cũng nói rằng chính quyền Mỹ đã đảm bảo với Saudi Arabia rằng chính phủ liên bang sẽ không trực tiếp viện trợ cho các công ty dầu khí Mỹ. Thay vào đó, họ sẽ để thị trường buộc doanh nghiệp phải đưa ra quyết định để giảm nguồn cung thừa.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), Nga và một nhóm các nhà sản xuất khác đã đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày bắt đầu từ tháng 5. Các nhà sản xuất ở Mỹ và Canada cũng đóng cửa các giếng khoan để loại bỏ hàng triệu thùng dầu trong những tháng tới. Chỉ đến khi nguồn cung dầu được thu hẹp hoặc có sự phục hồi trong nhu cầu toàn cầu, ngành công nghiệp này mới có thể ổn định trở lại. Nhu cầu dầu trên toàn cầu ước tính đã giảm từ 20-30 triệu thùng dầu một ngày.

Tệ hơn nữa, trước khi Saudi Arabia đồng ý cắt giảm lượng dầu đưa tới Mỹ, một nhóm tàu ​​chở dầu đã xuất phát. Số dầu này sẽ làm tăng áp lực lên kho lưu trữ trừ khi một quốc gia khác mua trước khi nhóm tàu này cập cảng ở Mỹ.

“Cảnh này giống như trong một số bộ phim từ những năm 1980 khi tổng thống Mỹ và người đứng đầu Liên Xô đi đến thỏa thuận tạm dừng chiến tranh hạt nhân nhưng một chiếc máy bay không nhận được lệnh quay lại”, một quan chức trong ngành theo dõi các con tàu này cho biết.

Link nguồn: https://zingnews.vn/washington-te-liet-khi-gia-dau-xuong-duoi-0-usdthung-post1075547.html

Tags:
Nam sinh Mỹ 16 tuổi lái trực thăng cung cấp đồ cho bệnh viện vùng xa

Nam sinh Mỹ 16 tuổi lái trực thăng cung cấp đồ cho bệnh viện vùng xa

Ở độ tuổi mà hầu hết thanh thiếu niên đang học bằng lái xe, TJ Kim đang nỗ lực để có được chứng chỉ phi công. Nhờ đó, cậu có thể lái máy bay đưa đồ dùng thiết yếu đến các bệnh viện ở nông thông đang cần giúp đỡ giữa đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất