WHO phản bác Trump

Tổng giám đốc WHO khẳng định họ không thiên vị Trung Quốc và kêu gọi không chính trị hóa khủng hoảng y tế.

10:00 09/04/2020

"Chúng tôi đã thông báo cho thế giới về các dữ liệu, thông tin và bằng chứng mới nhất", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 8/4 nói tại Thụy Sĩ, nhấn mạnh rằng ngày 9/4 đánh dấu 100 ngày kể từ khi Trung Quốc thông báo cho tổ chức về các trường hợp "viêm phổi không rõ nguyên nhân" hôm 31/12/2019.

"Chúng tôi gần gũi với mọi quốc gia, không thiên vị ai", Tedros nói thêm. Ông kêu gọi "không chính trị hóa virus". "Nếu anh muốn bị lợi dụng và muốn thấy nhiều túi đựng xác hơn thì hãy làm điều đó. Còn nếu không thì hãy dừng lại".

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Thụy Sĩ ngày 6/4. Ảnh: AFP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Thụy Sĩ ngày 6/4. Ảnh: AFP.

Trump ngày 7/4 nói rằng WHO "có vẻ nghiêng về phía Trung Quốc và như vậy là không đúng đắn". Ông đặt câu hỏi vì sao WHO lại "đưa ra lời khuyên sai lầm như vậy", dường như đề cập tới việc WHO ban đầu khuyến cáo không nên hạn chế đi lại quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của nCoV, bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc.

Trung Quốc đang đối diện chỉ trích từ Washington, đặc biệt là từ những đảng viên Cộng hòa, về cách nước này đối phó với Covid-19. Tổng thống Trump đã bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của số liệu thống kê ca nhiễm và tử vong vì nCoV mà Bắc Kinh đưa ra.

Trump dọa cắt ngân sách cho WHO. Mỹ là bên đóng góp lớn nhất cho WHO với hơn 400 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không nằm trong số các nhà tài trợ hàng đầu. Theo NPR, ba nhà tài trợ lớn nhất tiếp theo là Quỹ Bill & Melinda Gates, Liên minh GAVI và Anh.

Tedros hy vọng Mỹ vẫn duy trì tài trợ cho tổ chức. Ông cho biết WHO sẽ đánh giá hiệu quả làm việc và rút ra bài học về điểm mạnh và điểm yếu. "Chúng tôi cũng mắc lỗi như bao người khác", ông nói.

Tổng giám đốc nhận xét Trung Quốc và Mỹ nên noi gương chiến dịch toàn cầu 10 năm mà Liên Xô và Mỹ đã phát động năm 1967 để xóa sổ bệnh đậu mùa, căn bệnh khi đó giết hai triệu người mỗi năm. "Hãy đoàn kết ở cấp quốc gia, không sử dụng Covid-19 để ghi điểm chính trị. Thứ hai, hãy đoàn kết thực chất ở cấp độ toàn cầu, với sự lãnh đạo trung thực từ Mỹ và Trung Quốc".

Tại New York, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói ngày 8/4 rằng giờ không phải là lúc để đánh giá phản ứng toàn cầu trước đại dịch. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào làm việc với tinh thần đoàn kết để ngăn chặn virus.

Covid-19 xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,4 triệu người nhiễm, gần 88.000 người chết và hơn 319.000 người bình phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 420.000 người nhiễm, hơn 14.000 người tử vong. Trung Quốc ghi nhận gần 82.000 ca nhiễm và hơn 3.300 ca tử vong.

Link nguồn: https://vnexpress.net/who-phan-bac-trump-4081816.html

Tags:
Bốn mẹ con nhiễm nCoV mất trong 10 ngày

Bốn mẹ con nhiễm nCoV mất trong 10 ngày

Cụ bà ở thành phố New Orleans, bang Louisiana cùng ba con trai tử vong chưa đầy hai tuần sau khi nhiễm nCoV.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất