Xu hướng từ bỏ quốc tịch của công dân Mỹ ở nước ngoài

Rắc rối do quy tắc áp thuế thu nhập cá nhân của Mỹ khiến nhiều công dân nước này ở nước ngoài muốn từ bỏ quốc tịch để dễ dàng sinh sống.

04:00 07/07/2018

Khi Greg Swanson quyết định chuyển tới châu Âu để có kinh nghiệm thực tế trong kinh doanh quốc tế, ông tự nhủ sẽ chỉ ở lại đây 2 năm. Tuy nhiên, Swanson, khi đó làm việc cho Kodak, nhận ra ông học hỏi được nhiều điều và cảm thấy thích thú nên đã chọn ở lại lâu hơn.

Người đàn ông 53 tuổi này đã tìm thấy người bạn đời là một phụ nữ Pháp, và đã có hai con. Swanson đã sống ở nước ngoài 30 năm và là công dân Thụy Sĩ.

Cuộc sống thay đổi , kéo theo sự thay đổi của những quy tắc thuế ông phải đối mặt. Ông thừa nhận sống ở nước ngoài với tư cách một công dân Mỹ luôn khiến vấn đề thuế trở nên phức tạp. Rắc rối này là do Mỹ là một trong những quốc gia đánh thuế theo quốc tịch, không phải theo nơi cư trú.

Chính phủ Mỹ gần đây đã thắt chắt quy định để ngăn công dân Mỹ trốn thuế bằng cách giấu tiền ở nước ngoài. Với công dân Mỹ định cư ở nước ngoài, động thái trên khiến họ khó có thể tìm được các thể chế tài chính cho phép họ mở tài khoản.

Swanson bắt đầu biết ông bị ảnh hưởng khi không thể mở tài khoản ngân hàng. “Đó không phải vấn đề cá nhân hay phân biệt đổi xử liên quan đến quốc tịch”, Swanson nói. “Đó là bởi chính phủ của chúng tôi đã thiết lập hình phạt nếu họ giao dịch với chúng tôi”.

Swanson đón nhận cú sốc khác khi phát hiện ông đã đóng chậm một khoản thuế mà ông còn không biết nó có tồn tại.

Greg Swanson. Ảnh: CNBC

Người Mỹ ở nước ngoài thường xuyên đối mặt thủ tục phức tạp.

Khi Swanson, hiện thất nghiệp, đưa ra ý tưởng khởi nghiệp và trình bày trước một nhà đầu tư tiềm năng, ông đã không nhận được phản hồi như mong muốn.

“Ông ấy nhìn tôi và gọi tôi là kẻ có hại”, Swanson kể lại. “Ông ấy nói ‘nếu tôi đầu tư, anh sẽ trở thành một công ty Mỹ’”. Điều đó đồng nghĩa có những rủi ro thuế đi kèm.

Những bất lợi tài chính, cùng cản trở trong tiết kiệm cho nghỉ hưu, đã đẩy Swanson tới ngã ba đường. “Tôi phải quay về và làm lại từ đầu hoặc từ bỏ quốc tịch”, Swanson chia sẻ. “Tôi không thể giữ quốc tịch và tiếp tục cuộc sống như vậy thêm 10 năm nữa”.

Công dân Mỹ ở nước ngoài muốn từ bỏ quốc tịch

Trong quý I/2018, 1.099 công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch, theo số liệu từ Sở thuế vụ Mỹ (IRS). Hơn 5.000 công dân Mỹ sống tại nước ngoài đã từ bỏ hộ chiếu Mỹ trong năm 2016 và 2017.

“Công dân Mỹ sống ở nước ngoài gặp những khó khăn về thuế mà những người ở trong nước chưa từng nghe đến”, David McKeegan, đồng sáng lập Greenback Expat Tax Services, công ty chuyên cung cấp dịch vụ thuế cho công dân Mỹ ở nước ngoài, nói.

Số lượng công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch qua các năm. Ảnh: CNBC.

Quy định phức tạp

Công dân Mỹ định cư ở nước ngoài sẽ phải nộp một Báo cáo về Các tài khoản tài chính và ngân hàng nước ngoài (FBAR). Mẫu đơn này cần bao gồm mọi tài khoản có hơn 10.000 USD mà công dân đó đang sở hữu.

Nếu không nộp FBAR, họ sẽ bị phạt. Mức phạt tùy thuộc vào việc người nộp thuế có cố tình che giấu thông tin hay không. Nếu không cố ý, mức phạt thấp nhất là 10.000 USD. Nếu cố ý, mức phạt là 100.000 USD hoặc 50% số dư tài khoản, đồng nghĩa lớn hơn nhiều.

Đồng thời, Đạo luật về Tuân thủ thuế với tài khoản nước ngoài (FATCA) yêu cầu các thể chế nước ngoài công bố số tiền các công dân Mỹ có.

Công dân Mỹ cũng cần kê khai mọi quỹ tương hỗ, sản phẩm bảo hiểm hoặc hưu trí mà họ sở hữu ở nước ngoài. Theo McKeegan, IRS có thể coi đây là đầu tư bị động ở nước ngoài (PFIC).

Đây là một số quy tắc thuế mà công dân Mỹ ở nước ngoài phải đối mặt.

Công dân Mỹ cũng có thể được miễn trừ thu nhập chịu thuế ở nước ngoài lên tới 104.100 USD trong năm 2018. Tuy nhiên, họ cần phải vượt qua các thử thách nhất định liên quan đến cư trú.

Thậm chí, ngay cả khi không bị quốc gia định cư thu thuế, họ vẫn phải trả thuế thu nhập về Mỹ, theo McKeegan.

Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm được thông qua năm 2017 lại đưa ra những điều cần tuân thủ mới, theo McKeegan.

Các công ty hiện có thể chuyển tiền về Mỹ với thuế suất thấp hơn. Với các khoản lợi nhuận tiền mặt và tương đương tiền mặt, thuế suất là 15,5%, với tài sản không phải tiền mặt, thuế suất là 8%.

Vởi chủ doanh nghiệp tư nhân, mức thuế này là một “thảm họa tiềm tàng”, McKeegan nhận định. Ông ví dụ với thuế suất như trên, một doanh nghiệp có lợi nhuận 300.000 USD phải đối mặt với khoản thuế lên tới 50.000 USD. “Điều này thực sự nguy hiểm đối với những công ty nhỏ có chủ sở hữu là công dân Mỹ ở ngoài Mỹ”.

Tình thế bất lợi

Khi Laura Snyder, 51 tuổi, chuyển tới châu Âu năm 1995, bà “hoàn toàn không biết” tình trạng thuế của bà sẽ thay đổi. Snyder, hiện là luật sư, chỉ biết những quy tắc thuế phải thực hiện khi được các đồng nghiệp ở công ty của bà tại Paris, Pháp, thông báo.

Ban đầu, các yêu cầu không phải điều gì to tát lắm, Snyder nói. Nhưng sau nhiều năm, gia đình bà có thêm thành viên và tình trạng thuế của bà ngày càng phức tạp. Quy tắc thuế của Mỹ cũng vậy.

Số tiền Snyder phải nộp để tuân thủ cả luật thuế Pháp và Mỹ đã lên tới 20% thu nhập. Snyder may mắn hơn bởi bà không nợ thuế trong những năm gần đây.

Laura Snyder.

Vợ chồng bà cũng gặp rắc rối với FATCA. Các thể chế tài chính, nơi họ mở tài khoản chung bắt đầu gửi thư. Một số đề nghị Snyder đóng tài khoản bởi bà là công dân Mỹ. Số khác đề nghị W-9s, mẫu đơn của IRS để người nộp thuế điền các thông tin liên quan để họ có thể thông báo cho nhà chức trách Mỹ. Chồng của Snyder chọn đóng tài khoản.

Các con của Snyder, đều tuổi vị thành niên, sinh ra tại Pháp nhưng đều là công dân Mỹ. Chúng chưa có tài khoản ngân hàng riêng nhưng bà dự đoán sẽ có nhiều khó khăn hơn khi chúng muốn mở tài khoản.

Những sự phức tạp đó khiến từ bỏ quốc tịch lại là một lựa chọn hợp lý, theo Snyder. “Chúng sẽ tự quyết định khi đủ 18 tuổi. Chúng muốn giữ quốc tịch Mỹ hay không? Điều đó có đáng giá hay không?”.

Snyder thì chưa sẵn sàng đoạn tuyệt với Mỹ bởi là một công dân Mỹ chính là một phần con người bà.

Sẵn sàng từ bỏ

Jen Carlsen, 46 tuổi, ở Thụy Sĩ, cũng gặp vấn đề tương tự. Carlsen định cư ở châu Âu từ năm 2004 và có ý định từ bỏ quốc tịch Mỹ sớm nhất có thể.

Carlsen tới Đan Mạch khi còn là sinh viên và có việc làm tại đây. Cô chuyển tới Thụy Sĩ năm 2007 và làm việc trong ngành công nghệ sinh học và dược phẩm. Carlsen hiện thất nghiệp bởi công ty giảm quy mô. Cô đã nộp đơn xin việc hơn 200 lần và chưa thể có công việc mới.

Carlsen còn là mẹ đơn thân. Cô cần sẵn sàng có mặt khi con trai, đang tuổi mẫu giáo, cần chăm sóc. Các trường học ở Thụy Sĩ thường đóng cửa hai giờ để ăn trưa và học sinh sẽ về nhà. Trường học cũng nghỉ vào thứ Tư hàng tuần.

Lập công ty riêng có vẻ là bước đi đúng, Carlsen nói, ngoại trừ một vấn đề lớn là thuế. “Tôi không muốn nghĩ về những thứ phải thông báo nếu làm chủ một công ty ở nước ngoài. Ngay lúc này, nộp thuế ở Mỹ và Thụy Sĩ đã quá tốn kém”. Carlsen hiện nộp thuế khoảng 2.000 USD/năm.

Ngoài thất nghiệp, Carlsen còn đang gặp rắc rối với khoản vay thế chấp. 7 năm trước, ngân hàng địa phương cho Carlsen vay thế chấp đã tìm cách buộc chồng cô khi đó phải thông báo thông tin tài chính của anh cho chính phủ Mỹ.

Carlsen phải nộp bản sao thuế thu nhập cá nhân và FBAR để chứng minh cô đã báo cho nhà chức trách Mỹ. Rắc rối chưa kết thúc ở đó. Nhiều khoản thế chấp ở Thụy Sĩ đòi hỏi người vay phải sở hữu một sản phẩm hưu trí sau thuế, giúp tăng khoản tiền gốc ban đầu. Trong khi Thụy Sĩ coi đây là một khoản khấu trừ thì Mỹ lại không công nhận.

Với Carlsen, từ bỏ quốc tịch sẽ giúp chấm dứt mọi rắc rối này. Từ bỏ quốc tịch sẽ khiến cô mất khoản phí khoảng 2.350 USD. Cô đang trong thời gian xin cấp quốc tịch Thụy Sĩ và gần đây đã phải kiểm tra trình độ tiếng Pháp.

"Cuối cùng, tôi cũng có thể trở thành chủ một doanh nghiệp mà không phải lo ngại gánh nặng khai báo thông tin", theo Carlsen.

Kỳ vọng thay đổi

Do vội vã thiết lập luật thuế mới hồi cuối năm 2017, chính phủ Mỹ đã vuột mất cơ hội giải quyết vấn đề của người Mỹ ở nước ngoài, theo Charles M. Bruce, tư vấn pháp lý tại American Citizens Aboard, một nhóm vận động. “Thực sự không có thời gian để tập trung vào vấn đề như vậy”.

Nghị sĩ George Holding, đảng Cộng hòa, bang North Carolina, đã để ý đến việc thiết lập hệ thống thuế dựa trên nơi cư trú, có lợi cho cả công dân và doanh nghiệp Mỹ.

“Hệ thống đánh thuế dựa trên yếu tố quốc tịch khiến chi phí thuê người Mỹ ở nước ngoài cao hơn 40% so với những quốc tịch khác”, Holding cho biết. “Điều quan trọng là đảm bảo tài năng, không phải gánh nặng thuế, là yếu tố dẫn đến quyết định tuyển dụng của các công ty đa quốc gia”.

Tuy nhiên, khi vẫn chưa có sự thay đổi nào, người Mỹ ở nước ngoài sẽ tiếp tục phải vật lộn với những quy tắc thuế phức tạp hiện nay.

“Không ai cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để họ có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế”, Paul Sczudlo, công ty tư vấn luật Withers, nói. “Còn có rất nhiều người không tuân thủ”.

Tags:
Thêm nhiều công dân Mỹ được di tản khỏi Trung Quốc vì ‘âm thanh lạ’

Thêm nhiều công dân Mỹ được di tản khỏi Trung Quốc vì ‘âm thanh lạ’

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã cho di tản ít nhất 11 công dân Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc sau khi có báo cáo về những âm thanh bất thường mà nhân viên Mỹ nghe được ở Tòa Lãnh Sự Quán Mỹ ở Quảng Châu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất